A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐHĐCĐ OCB: Đã thu hồi xong nợ FLC và Đại Nam

Sáng ngày 28/04, Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh, tăng vốn điều lệ và thay đổi địa chỉ trụ sở chính, bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025.

Bài cập nhật

Thảo luận:

Ngân hàng số vừa là thách thức vừa là cứu cánh của OCB

Ngân hàng số đang cạnh tranh khốc liệt, lợi thế nào của OCB trong đường đua này? Khác biệt của Liobank với Omni? Chiến lược phát triển 2 ngân hàng số này?

Ông Nguyễn Đình Tùng: Dưới góc độ người dùng, khách hàng giao dịch qua kênh số trên 90%, do đó cạnh tranh rất lớn, các ngân hàng đều lấy chuyển đổi số làm mục tiêu hoạt động.

Đến giờ, OCB là ngân hàng có quy mô vừa, ngân hàng số vừa là thách thức vừa là cứu cánh của OCB. Cách đây 2 năm, OCB đã thông qua mục tiêu ngân hàng số là mục tiêu hàng đầu. Đưa ra sản phẩm số cho khách hàng, số hóa toàn diện các dịch vụ. Ngân hàng số là môi trường nhiều thách thức.

Ở môi trường số, Ngân hàng có một số điểm thuận lợi, không bị cản trở về mặt quy mô. Thứ hai, tư duy từ lãnh đạo và nhân viên, nếu tư duy không thay đổi thì không có cách nào thay đổi. OCB có sự nhất quán về chuyển đổi số trong ban điều hành, làm sao số hóa được ngân hàng, chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thông sang kênh số.

Thứ ba, khách hàng đã chuyển từ yêu cầu khác biệt sang lợi ích đạt được và an toàn. Khách hàng đòi hỏi lợi ích làm mục tiêu cuối cùng. OCB cũng đã triển khai cho vay trên môi trường số Unlock Dream Home, khách hàng mục tiêu là thanh niên tìm mua nhà dưới 2 tỷ đồng. Đầu năm 2023, cũng đã triển khai Liobank dành cho khách hàng trẻ, hiện do phải tuân thủ quy định, trong thời gian tới sau khi NHNN cho phép thì Liobank có thể tự động hóa 100%.

Đã thu hồi toàn bộ nợ của FLC và Đại Nam

Vì sao đặt kế hoạch kiểm soát nợ xấu dưới 3%?

Ông Nguyễn Đình Tùng: Cách tính nợ xấu 2021 chỉ công bố khoản nợ xấu của khách hàng tại OCB, 2022 công bố thêm nợ xấu kéo theo CIC. Đây là yêu cầu mới để đảm bảo tính an toàn hệ thống. Trong năm nay, dành sự ưu tiên trong việc thu hồi nợ xấu, kiểm soát nợ xấu là yếu tố quan trọng nhất. Năm nay thị trường diễn biến không như mong đợi, có nhiều diễn biến xấu.

Ngân hàng Nhà nước cũng vừa ban hành thông tư cho phép cơ cấu nợ, nhất là doanh nghiệp cho vay sản xuất kinh doanh. Do đó mục tiêu tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3% phù hợp.

 

Khoản vay từ FLC và Đại Nam? Dư nợ có thu lại được hay không?

Ông Nguyễn Đình Tùng: Toàn bộ danh mục nợ của FLC và Đại Nam đã thu hồi xong. Các bước thu hồi chia làm 2 bước. Thứ nhất, thu hồi toàn bộ tài sản của các công ty này đã thế chấp tại OCB đưa vào dạng gán nợ. Đây là hình thức NHNN cho phép, nghĩa là nhận tài sản thế chấp thay cho nghĩa vụ trả nợ của ngân hàng. Cả 2 danh mục tài sản này đều đã có người mua, được quyền nộp tiền và bán tài sản cho bên thứ 3. Đến nay, toàn bộ tài sản của cả FLC và Đại Nam đều đã thu hồi.

OCB mua tòa nhà 265 Câu Giấy để đầu tư tài sản, mua với giá hợp lý nên năm 2022 vừa qua khi FLC gặp khó khăn, chưa thực hiện thủ tục sang tên vào năm 2022, OCB quyết dịnh dừng hợp đồng và FLC đã hoàn trả tiền cho OCB bao gồm cả tiền phạt.

 

OCB đã công bố là ngân hàng đầu tiên triển khai Basel II, tiếp đến là kết hợp với IBM, Seateach hay dự án áp dụng chuẩn mực IFRS. Các dự án này đầu tư trong giai đoạn này có phù hợp không? Chi phí triển khai thế nào? Các dự án này có triển khai trong năm nay không?

Ông Nguyễn Đình Tùng: OCB đã hoàn thiện Basel II, đang áp dụng Basel II cho rủi ro tín dụng theo bản chuẩn của NHNN. Basel II này chính là Basel III quản lý rủi ro tín dụng. Tôi kỳ vọng sẽ có ứng dụng ngay trong năm 2023.

Dựa trên hệ thống dữ liệu lịch sử, có thể rút ra hợp đồng tín dụng nào mang rủi ro cao hơn đối tượng còn lại, OCB phải xây dựng chính sách phù hợp tự động cho từng đối tượng khách hàng, chi tiết hơn, giúp ngân hàng quản lý từng khoản mục cho vay. Kỳ vọng đây là hành động thực tế để kiểm soát nợ xấu trong năm 2023 tốt hơn.

Các chuẩn mực giám sát gian lận và lừa đảo như IBM, NHNN đã khuyến khích chưa bắt buộc, nhưng OCB áp dụng để ngăn ngừa giả mạo định danh, tạo ra hệ thống có độ bảo mật an toàn cao. Hệ thống này sẽ phải tốn hàng triệu USD để đầu tư.

IFRS sẽ triển khai và hoàn thành từ cuối năm 2023, đặt ra yêu cầu nguyên tắc trong hệ thống kế toán, xây dựng báo cáo tài chính, nhằm đảm bảo tính minh bạch và thông tin trong báo cáo tài chính, minh bạch trong hoạt động.

Năm 2022 vừa qua là năm duy nhất không đạt kế hoạch

Cơ sở để đặt kế hoạch lợi nhuận 2023?

Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng Giám đốc: Phải thừa nhận kết quả 2022 không đạt, trong quá trình cải tổ phát triển OCB từ giai đoạn 2012 đến nay, năm 2022 vừa qua là năm duy nhất không đạt kế hoạch.

Năm nay, Ban điều hành đã phân tích, đánh giá xây dựng kế hoạch 2023. Năm 2022 đặt kế hoạch đầu năm trong bối cảnh lạc quan, nền kinh tế có nhiều tín hiệu tích cực sau 2 năm COVID, tuy nhiên trong năm có nhiều diễn biến không như dự báo, chưa lường trước được. Năm 2023, đặt kế hoạch khiêm tốn hơn kế hoạch 2022.

Do đó, kế hoạch 2023 có sự thận trọng cao và dựa trên cơ sở thực tiễn. Hoạt động kinh doanh cốt lõi, tăng trưởng tín dụng 21% trong năm 2022. Hoạt động kinh doanh trái phiếu Chính phủ trong năm 2021 thu mức 30%, năm 2022 chiếm 25% trong tổng thu nhập. 1,500 tỷ đồng là mức thu nhập kỳ vọng trên mức kinh doanh trái phiếu Chính phủ.

Khi lãi suất liên ngân hàng tăng cao, khoản mục kinh doanh trái phiếu Chính phủ bị âm, cho nên hoạt động chính là tín dụng trong năm 2022 vẫn đem lại lợi nhuận, và dịch vụ cũng đạt mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Đây cũng là nền để xây dựng kế hoạch 2023.

Mức tăng trưởng lợi nhuận 2023 dựa trên hoạt động chính là hoạt động kinh doanh tín dụng và dịch vụ.

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của OCB được tổ chức sáng ngày 28/04.

Gặp nhiều thách thức nhưng OCB vẫn tăng trưởng

Phát biểu đầu đại hội, ông Trịnh Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT cho biết, trong năm 2022, thị trường tài chính trong nước và thế giới đứng trước nhiều biến số khó lường, những vấn đề như chiến tranh, áp lực tỷ giá, mặt bằng lãi suất tăng cao,… đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chung của ngành ngân hàng tại Việt Nam. Dù gặp nhiều thách thức nhưng bức tranh kinh doanh của OCB trong năm 2022 vẫn tăng trưởng.

Thu nhập lãi thuần của OCB trong năm 2022, tăng hơn 21% so với năm trước và đạt hơn 6,900 tỷ đồng. Thu nhập từ mảng dịch vụ cũng tăng hơn 29% mang về hơn 1,000 tỷ đồng, trong đó lãi thuần từ mảng kinh doanh ngoại hối tăng hơn 45% đạt hơn 145 tỷ đồng.

Thu thuần phí của thẻ tăng 138% so với cùng kỳ, doanh số giao dịch thẻ tăng trưởng 83% so với năm 2021. Thu nhập từ quản lý tài sản cũng tăng 55% từ 94 tỷ đồng trong năm 2021 lên 145 tỷ đồng năm 2022.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của OCB đạt gần 194,000 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021. Dư nợ tín dụng thị trường 1 chiếm 63% trong cơ cấu tổng tài sản của OCB. Trong khi đó, tỷ trọng đầu tư trái phiếu và tài sản có khác đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Phần lớn danh mục tín dụng của OCB là cho vay khách hàng, chiếm tỷ trọng 97.6%, trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm một phần nhỏ khoảng 2.4%.

Tỷ trọng cho vay bán lẻ (mảng có biên lợi nhuận cao và tiềm năng phát triển các mảng bán chéo) tăng từ 36% năm 2020 lên 40% trong năm 2022. Dư nợ bán lẻ của OCB đã tăng từ 32,100 tỷ đồng lên 49,500 tỷ đồng trong hai năm trở lại đây. Đặc biệt trong năm 2022, tăng trưởng mảng này đạt 30% trong khi mảng khách hàng doanh nghiệp tăng chưa đầy 12%.

Trong cơ cấu huy động vốn ở thị trường 1, tiền gửi khách hàng là 102 nghìn tỷ đồng, tăng 3.4%, giấy tờ có giá là 32 nghìn tỷ đồng, tăng 41.5% chiếm 23%, vốn tài trợ và ủy thác đầu tư là 3.2 nghìn tỷ đồng. 

OCB cũng đưa NIM tăng từ 3.7% trong năm 2021 lên 3.9%. Tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) đạt 75.6% vào cuối năm 2022.

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 6,000 tỷ đồng

OCB cho biết năm 2023 sẽ tiếp tục tập trung vào việc phát triển quy mô và hiệu quả hoạt động, trong đó tập trung thúc đẩy hoạt động bán lẻ theo chiến lược 5 năm 2021-2025.

OCB đề ra mục tiêu đến cuối năm 2023 đạt 242,152 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 25% so với đầu năm. Tổng huy động thị trường 1 tăng 26% lên 173,087 tỷ đồng. Dư nợ thị trường 1 tăng 20% lên 147,330 tỷ đồng và sẽ được điều chỉnh theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

OCB đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế 6,000 tỷ đồng cho năm 2023, tăng 37% so với kết quả năm 2022.

OCB có hơn 7,037 tỷ đồng lợi nhuận để lại

Lợi nhuận trước thuế năm 2022 của OCB đạt hơn 4,389 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định hơn 2,983 tỷ đồng. Lợi nhuận để lại năm 2022 của cổ đông là 2,943 tỷ đồng. Sau khi cộng 4,094 tỷ đồng lợi nhuận để lại của các năm trước, OCB có hơn 7,037 tỷ đồng lợi nhuận để lại.

Để phục vụ hoạt động kinh doanh, OCB sẽ sử dụng lợi nhuận để lại và các nguồn khác thuộc vốn chủ sở hữu để tăng vốn điều lệ năm 2023.

Tăng vốn điều lệ 2023 lên 20,548 tỷ đồng

OCB cho biết với kế hoạch tăng trưởng quy mô kinh doanh liên tục hàng năm, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để giúp Ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định.

OCB dự kiến phát hành gần 685 triệu cp cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ phát hành 50%. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá hơn 6,849 tỷ đồng. Số cổ phần này không bị hạn chế chuyển nhượng.

Nguồn vốn thực hiện từ vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2022, xác định theo BCTC riêng và hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán, sau khi trích lập các quỹ.

Vốn điều lệ dự kiến được tăng từ 13,699 tỷ đồng lên 20,548 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện ngay sau khi được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Với số vốn tăng thêm, OCB dự kiến mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất và bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư, cho vay.

Sau khi tăng vốn điều lệ, Aozora Bank, Ltd. vẫn là cổ đông lớn nắm giữ 15% vốn Ngân hàng.

Nguồn: VietstockFinance

Thay đổi địa điểm trụ sở chính

Trụ sở chính của OCB hiện đang được đặt tại số 41 (tầng trệt, lửng và tầng 1, 2 của tòa nhà) và số 45 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển và mở rộng diện tích trụ sở chính, HĐQT nhận thấy tòa nhà The Hallmark, lô 1-13, khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, TPHCM đáp ứng được yêu cầu của OCB về yêu cầu đặt trụ sở chính, với vị trí tòa nhà nằm tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức - là khu vực quận trung tâm đang được quy hoạch trở thành trung tâm hành chính, thương mại, dịch vụ mới và lớn nhất của TPHCM.

Do đó, HĐQT trình ĐHĐCĐ di dời trụ sở chính của OCB từ số 41 và 45 Lê Duẩn, quận 1 sang The Hallmark, lô 1-13, khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Thời gian thực hiện di dời sau khi được chấp thuận của cơ quan Nhà nước.

Bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025

ĐHĐCĐ thường niên 2020 đã thông qua số lượng thành viên HĐQT OCB là 8 thành viên. Hiện nay, HĐQT đang khuyết 1 thành viên. Để phù hợp quy mô và nhu cầu về HĐQT, HĐQT trình cổ đông thông qua việc thay đổi số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 từ 8 lên 9 thành viên.

Do đó, HĐQT sẽ bầu nhân sự bổ sung vào HĐQT với các ứng viên là ông Kato Shin và ông Nguyễn Đình Tùng.

Kết thúc Đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan