Đãi cát tìm vàng, tập trung vào các doanh nghiệp có câu chuyện riêng để lựa chọn danh mục cuối năm
Trong báo cáo chiến lược quý cuối năm, Công ty Chứng án KB Việt Nam (KBSV) dự báo, chỉ số VN-Index sẽ đạt 1.330 điểm thời điểm cuối năm 2022 trên giả định dự phóng tăng trưởng EPS bình quân các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE đạt mức 18,3% trong năm; đồng thời giảm mức P/E mục tiêu xuống 13 lần để phản ánh các rủi ro đến từ yếu tố ngoại biên, kết hợp với diễn biến tăng của mặt bằng lãi suất trong so sánh với các thị trường chứng khoán (TTCK) trong khu vực.
Định giá thị trường hấp dẫn
TTCK Việt Nam trải qua nhịp hồi phục trong nửa đầu quý III sau khi giảm mạnh về vùng hỗ trợ đáng chú ý với nhiều cổ phiếu về vùng định giá hấp dẫn, giá hàng hóa hạ nhiệt, trong khi TTCK thế giới diễn biến tích cực trước kỳ vọng FED sẽ chậm lại tốc độ tăng lãi suất. Nửa sau quý III, TTCK Việt Nam quay trở lại xu hướng điều chỉnh, tương đồng với TTCK toàn cầu trước rủi ro lạm phát, suy thoái, lãi suất tăng, các rủi ro địa chính trị cũng như rủi ro tỷ giá trong nước.
Thị trường Việt Nam đang được định giá hấp dẫn trong tương quan so sánh với các TTCK trong khu vực TTCK VN duy trì hấp dẫn hơn tương đối trong sử dụng định giá bằng phương pháp so sánh. Cụ thể, TTCK Việt Nam có sức hấp dẫn vượt trội với P/B thấp và P/E thấp tương đối. Điều này cũng được phản ánh qua động thái mua ròng của khối ngoại trong quý III, trong khi đẩy mạnh bán ròng ở hầu hết các thị trường trong khu vực.
Biến động P/E nhóm ASEAN4 |
Kể từ thời điểm chịu tác động bởi dịch COVID-19, TTCK Mỹ và TTCK Việt Nam có mối tương quan chặt chẽ, biểu hiện qua biến động chỉ số P/E của S&P 500 và VN-Index. Nguyên nhân của sự tương đồng này xuất phát từ việc các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường trong hơn 2 năm trở lại đây có độ phủ trên quy mô toàn cầu (dịch COVID-19, chính sách zero-Covid tại Trung Quốc, lạm phát tại các nước phát triển, rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ và EU, các ngân hàng trung ương đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất...).
Tương quan P/E VNIndex và S&P 500 |
TTCK Việt Nam, dù có một nền kinh tế với nội tại vững vàng hơn với tăng trưởng GDP cả năm 2022 dự báo quanh 7,5%, trong khi lạm phát dưới mức mục tiêu 4%, cũng không tránh khỏi việc chịu ảnh hưởng từ các yếu tố ngoại biên dẫn đến các nhịp điều chỉnh sâu trong năm 2022.
“Với việc môi trường đầu tư toàn cầu còn nhiều yếu tố bất định trong 3 tháng cuối năm, chúng tôi đánh giá các yếu tố ngoại biên vẫn mang tính chất chi phối diễn biến thị trường trong nước. Dù vậy, chúng tôi kỳ vọng với sức đề kháng tốt hơn ở góc độ vĩ mô nền kinh tế lẫn vi mô doanh nghiệp giúp triển vọng tăng trưởng ở EPS toàn thị trường tích cực hơn so với các thị trường phát triển khác vốn có nền kinh tế đang đối mặt với rủi ro suy thoái. Theo đó, TTCK Việt Nam vẫn sẽ diễn biến tích cực hơn tương đối so với nhiều thị trường khác trên thế giới và trong khu vực”, chuyên gia KBSV đánh giá.
Có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh sâu...
Trong quý IV, nhóm chuyên gia thận trọng với diễn biến thị trường trong ngắn hạn khi nhiều yếu tố rủi ro vẫn đang hiện hữu. Thị trường nhiều khả năng sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh sâu và có thể chớm xuyên thủng vùng đáy tháng 6. Dù vậy, kỳ vọng thị trường sau đó sẽ tìm lại được điểm cân bằng và hồi phục trở lại khi các rủi ro liên quan đến địa chính trị, lạm phát, suy thoái kinh tế Mỹ hay những bất ổn tại EU đã được phản ánh đáng kể và phần nào hạ nhiệt, cùng với một số yếu tố hỗ trợ trong nước đến từ khả năng đề kháng tốt của nền kinh tế trước những áp lực gia tăng ngoại biên cùng việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ kinh tế và đẩy mạnh đầu tư công.
Đối với dự báo triển vọng TTCK từ nay đến cuối năm, KBSV dự phóng tăng trưởng EPS bình quân các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE đạt 18,3%; đồng thời giảm mức P/E mục tiêu xuống 13 lần, phản ánh các lo ngại gia tăng về các yếu tố ngoại biên, kết hợp với diễn biến tăng của mặt bằng lãi suất trong nước.
P/E kỳ vọng trong năm 2022 các thị trường |
Tương ứng với đó, chỉ số VN-Index được KBSV dự báo đạt mức 1.330 điểm vào thời điểm cuối năm. Các yếu tố gây ảnh hưởng đến dự báo bao gồm sự đổ vỡ ở thị trường trái phiếu bất động sản trong nước, lạm phát hoặc tỷ giá diễn biến căng thẳng trở lại, lạm phát toàn cầu tiếp tục tăng mạnh, FED và các ngân hàng trung ương trên thế giới đẩy nhanh tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ, các nền kinh tế lớn bước vào suy thoái, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sụt giảm nhanh.
Đãi cát tìm vàng
Với việc thận trọng trước những bất ổn vĩ mô, có thể gây ra áp lực tới triển vọng kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, KBSVcho rằng thị trường sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành, do đó, đây là giai đoạn nhà đầu tư cần “đãi cát tìm vàng”, tập trung vào các doanh nghiệp có câu chuyện riêng để lựa chọn cho danh mục trong nửa cuối năm 2022.
Từ góc độ top-down, một số chủ đề đầu tư nổi bật trong quý IV được nhóm chuyên gia gợi ý bao gồm: đẩy mạnh đầu tư công, đứt gãy nguồn cung do xung đột và thiên tai và nỗ lực giải cứu ngành bất động sản Trung Quốc. Theo đó, nhóm ngành được hưởng lợi như: nhóm vật liệu xây dựng, hạ tầng, xây lắp điện, bất động sản khu công nghiệp, lương thực, chăn nuôi và hóa chất.
Từ góc độ triển vọng ngành, trong quý cuối năm, Bộ phận Phân tích doanh nghiệp của KBSV đánh giá tích cực đối với triển vọng các ngành khu công nghiệp, điện, dầu khí, công nghệ thông tin, cảng biển, bán lẻ, thủy sản. Dựa trên các quan điểm trên, danh mục mẫu cho quý IV được lựa chọn bao gồm: FPT, GMD, MWG, PNJ, QTP, IDC, PVT, DHA, GAS, DXG.