Chủ tịch BRG: Cam kết xây dựng thành phố thông minh là thành phố trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới
Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch BRG cam kết xây dựng thành phố thông minh, trong đó điểm đặc biệt của thành phố này, đó là thành phố trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới. Bà Nga đồng thời kiến nghị Chính phủ xem xét các chính sách hỗ trợ tài chính cho các dự án xây dựng và trung hòa carbon.
Phát biểu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, sáng ngày 10/2, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết, hơn 30 năm qua, Tập đoàn BRG hoạt động trong lĩnh vực tài chính, bán lẻ, dịch vụ, du lịch.
BRG cam kết xây dựng thành phố thông minh, là thành phố trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới. |
Theo Chủ tịch BRG, trong thời điểm quan trọng của năm 2025, BRG cam kết xây dựng thành phố thông minh Bắc Hà Nội là một thành phố có rất nhiều tính năng thông minh, từ năng lượng, di chuyển, quản lý, giáo dục, y tế, kinh tế và sẽ có tiện ích tốt nhất cho người dân. Đây sẽ là thành phố trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới.
“Vào tháng 8/2024, tôi đến Indonesia để ký kết trong Hội nghị EZVIZ toàn cầu. Cam kết này tiêu biểu cho một thành phố trung hòa carbon thực sự và có thể chúng tôi sẽ nhập một số cây từ nước ngoài để giải quyết ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, sẽ có các giải pháp để giảm 50% chi phí cho năng lượng cho các hộ gia đình”- bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Nga, trong năm 2024, nền kinh tế đạt tăng trưởng GDP trên 7%, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi. Bộ Tài chính đang đề nghị tiếp tục giảm 30% tiền thuê đất. "Doanh nghiệp được giảm tiền thuê đất rất phấn khởi nhưng tiền thuế thu nhập lại tăng lên cho nên doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn"- bà Nga nói.
Vì vậy, Chủ tịch BRG kiến nghị lãnh đạo Chính phủ xem xét tiếp tục giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong năm 2024 và năm 2025, không chỉ trong 6 tháng mà cho cả năm. Còn doanh nghiệp nào được giảm thì cần xét rất kỹ, nếu không xứng đáng thì cũng không được hỗ trợ. Đây thực sự là một điều khích lệ thiết thực cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, có các chính sách hỗ trợ tài chính cho các dự án xây dựng và trung hòa carbon, bao gồm cả thuế và thủ tục hành chính. Có các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng sáng tạo để khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch và năng lượng tái tạo. Điều này góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà Thủ tướng đã cam kết với quốc tế, với mục tiêu đến năm 2050 Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu Net Zero.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Nga đề xuất cần có các chương trình, sáng kiến cấp quốc gia về đổi với sáng tạo, phát triển bền vững để các doanh nghiệp có thể tham gia và có những người hướng dẫn cho doanh nghiệp.
Hồng Hương