A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính sách giảm lãi suất của NHNN: Bước đi cần thiết hỗ trợ cho doanh nghiệp

Việc giảm mạnh các mức lãi suất điều hành của NHNN là động thái kịp thời, đúng lúc giúp cho các NHTM cũng như doanh nghiệp, người dân giảm được chi phí tài chính trong sản xuất kinh doanh và trong cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh toàn cầu bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid -19.

NHNN đã quyết định cắt giảm tất cả các loại lãi suất điều hành để giúp các NHTM có nguồn vốn giá rẻ cung ứng ra thị trường, san sẻ khó khăn với doanh nghiệp trước ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Tác động của việc giảm lãi suất điều hành tới đâu, và cần thêm yếu tố nào để giúp doanh nghiệp có thể sớm phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh?

Thời báo Ngân hàng chuyển đến bạn đọc nhận định của chuyên gia và ý kiến của NHTM xung quanh vấn đề này.

dien bien lai suat ngay cang tich cuc

TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính

Quan trọng nhất là giãn nợ, cơ cấu lại nợ cho DN

Việc giảm lãi suất điều hành lần này của NHNN theo tôi đánh giá là mạnh hơn so với những lần giảm trước và là động thái chính sách tích cực, đúng thời điểm, gián tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện thanh khoản của các NHTM vẫn duy trì tốt, thị trường tiền tệ liên ngân hàng có lãi suất thấp nên trường hợp bơm tiền ra lúc này thì nền kinh tế cũng chưa thể hấp thụ được.  Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng dư địa để ngân hàng có thể giảm thêm không còn nhiều. Trên thị trường, không ít ngân hàng đã giảm lãi suất huy động. Tôi cho rằng một phần do tác động từ chính sách của NHNN, nhưng phần nữa xuất phát từ việc tăng trưởng tín dụng hiện nay đang thấp.

Nếu dự báo tốc độ tăng CPI trung bình năm 2020 xoay quanh mức 4%, thì một số lãi suất sau khi điều chỉnh vẫn phải ở mức thực dương. CSTT quan trọng nhất bây giờ là đối với những khoản nợ cũ, những doanh nghiệp không có doanh thu dẫn tới không trả được nợ đúng hạn thì ngân hàng hỗ trợ bằng cách giãn nợ, cơ cấu lại nợ cho họ. Trong trường hợp giãn nợ, nếu lãi suất có thể giảm đi bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu, giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí.

Cùng với CSTT, chính sách tài khóa có thể xem xét giãn, giảm thuế, phí, tăng đầu tư công... Những chính sách này đều đúng hướng, có điều là liều lượng đã đủ chưa thì phải xem dịch bệnh sẽ diễn biến ra sao. Hiện tại, với những tác động ban đầu thì các chính sách của Nhà nước đang khá phù hợp, nhưng nếu bệnh dịch kéo dài hơn có thể Nhà nước sẽ phải đưa ra những biện pháp mạnh tay hơn.

TS. LS. Bùi Quang Tín - Trường Doanh nhân BizLight

Hỗ trợ tích cực về dòng tiền

Động thái giảm lãi suất điều hành lần này của NHNN hỗ trợ khá tích cực về dòng tiền, về thanh khoản cho thị trường. Giảm lãi suất điều hành mục tiêu lớn nhất là làm sao lãi suất trên thị trường liên ngân hàng sẽ giảm, qua đó tác động kéo giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường dân cư. Tuy nhiên, hiện nhu cầu vốn của các doanh nghiệp rất yếu bởi hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam hiện phát triển chậm, thậm chí nhiều doanh nghiệp chờ các gói kích thích mới của Chính phủ, chờ dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn...

Cũng không lo lãi suất giảm dòng tiền sẽ đảo chiều bởi gửi tiết kiệm vẫn được xem là một trong những kênh đầu tư hiệu quả đối với nhiều người dân. Đầu tư chứng khoán không phải là kênh đầu tư phù hợp thời điểm này, bất động sản hiện thanh khoản cũng kém do lãi suất cho vay chưa hạ theo sự kỳ vọng của nhà đầu tư…

Nói vậy để thấy, với kênh tiền gửi tiết kiệm nếu lãi suất cao hơn lạm phát kỳ vọng 4% năm nay - thì vẫn đang tạo ra mức lợi tức nhất định cho người gửi tiền. Cụ thể hơn, hiện lãi suất huy động kỳ hạn dài phổ biến 7- 8%/năm, nếu trừ đi lạm phát 4% thì khách hàng vẫn thực dương 3 đến 4%. Hay quyết định vừa qua đã hạ lãi suất tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng xuống còn 4,75%, nếu khách hàng gửi kỳ hạn dưới 6 tháng họ vẫn có khoản dư nhất định.

Bà Nguyễn Hồng Vân - Phó Tổng giám đốc VietinBank

Thị trường thiết lập mặt bằng lãi suất thấp hơn

Việc giảm mạnh các mức lãi suất điều hành của NHNN là động thái kịp thời, đúng lúc giúp cho các NHTM cũng như doanh nghiệp, người dân giảm được chi phí tài chính trong sản xuất kinh doanh và trong cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh toàn cầu bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid -19.

Trên cơ sở giảm lãi suất điều hành của NHNN, các NHTM có nhiều điều kiện thuận lợi để giảm chi phí vốn và giảm lãi suất cho vay cho các khách hàng. VietinBank đã có gói tín dụng 30 nghìn tỷ với lãi suất cho vay bằng VND giảm tối đa 1,5%/năm so với lãi suất thông thường đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19. Cùng với bộ chính sách lần này của NHNN, ngân hàng có thể tiếp tục hạ tiếp lãi suất đầu ra cho các khách hàng.

Tôi nghĩ sau khi ngân hàng hạ lãi suất, doanh nghiệp, người dân có thể điều chỉnh ngay được kế hoạch tài chính của mình. Mặc dù con số cụ thể thế nào chắc phải khoảng 3 tháng nữa chúng ta mới rõ hơn. Nhưng bây giờ tôi nghĩ, tác động về tinh thần thể hiện rõ nét khi người dân, doanh nghiệp cảm thấy hoạt động kinh doanh thuận lợi hơn với sự hỗ trợ từ phía ngân hàng. Tinh thần phấn khởi đó sẽ lan tỏa tích cực đối với nền kinh tế.

TS. Châu Đình Linh

Cần cả hỗ trợ từ chính sách tài khoá

CSTT là kênh truyền dẫn tác động đến chủ thể của nền kinh tế, cụ thể ở đây là tác động đến hiệu quả của doanh nghiệp, hỗ trợ một phần về chi phí chứ không phải tất cả chi phí. Một doanh nghiệp hoạt động được cần rất nhiều chi phí nên việc ngân hàng hỗ trợ một phần như vậy trong bối cảnh này là hết sức cần thiết. Nhưng công cụ truyền dẫn luôn có độ trễ, và độ trễ này phụ thuộc từ hệ thống NHTM. Cũng phải nhìn nhận bản thân đầu vào của NHTM đã gánh rất nhiều chi phí, nên chuyện giảm được lãi suất cho vay là có, nhưng sẽ phải có độ trễ. Chỉ có trường hợp khi NHTM dành ra một gói tín dụng ưu đãi lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với Covid-19 thì tác động sẽ nhanh hơn.

Tôi cho rằng, NHNN hiện có đủ công cụ để thực hiện việc can thiệp vào thị trường khi cần thiết. Còn chuyện can thiệp ra sao, thì chắc chắn cơ quan điều hành sẽ phải có những kịch bản cho những bước 2, bước 3, giảm lãi suất điều hành chỉ là bước đầu. Nhìn về lâu dài, hệ thống ngân hàng sẽ từng bước một điều chỉnh giảm lãi suất xuống để hỗ trợ toàn diện hơn cho doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hoá so với những doanh nghiệp ở những quốc gia khác.

Để có thể đứng vững và vượt qua đại dịch, CSTT cũng chỉ đóng một vai, vai còn lại vẫn cần phụ thuộc vào chính sách tài khoá, bản lĩnh của chủ doanh nghiệp, tổng hoà lại là sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. 

Minh Khuê, Quỳnh Mai thực hiện

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan