Bức tranh kinh doanh ngành quản lý quỹ quý 4/2024: Ai đang dẫn đầu?
Năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận nhiều biến động. Trong bối cảnh đó, ngành quản lý quỹ (QLQ) với 43 công ty đang hoạt động ghi nhận doanh thu và lợi nhuận quý 4/2024 tăng trưởng lần lượt 15% và 39% so với cùng kỳ năm 2023.
Quy mô doanh thu toàn ngành quý 4/2024 đạt hơn 970 tỷ đồng, tăng 15% so với quý 4/2023. Trong đó, hoạt động quản lý danh mục đầu tư (ủy thác) đóng góp đến hơn 452 tỷ đồng, tương ứng khoảng 47% về cơ cấu và tăng gần 8% so với cùng kỳ năm trước.
Mảng khác đóng góp lớn vào cơ cấu là quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, ghi nhận hơn 260 tỷ đồng, tương đương tỷ trọng 27% và tăng trưởng 51%. Phần doanh thu còn lại đến từ hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán, thưởng hay các loại phí liên quan đến môi giới, phát hành, mua lại chứng chỉ quỹ…
Xét về con số tuyệt đối, trong số gần 123 tỷ đồng doanh thu tăng thêm, mảng quản lý quỹ dẫn đầu, đóng góp gần 88 tỷ đồng, tiếp đến là ủy thác hơn 33 tỷ đồng và các hoạt động khác gần 6 tỷ đồng.
Dragon Capital dẫn đầu doanh thu toàn ngành với gần 258 tỷ đồng mang về, nhích nhẹ so với cùng kỳ năm 2023. Đóng góp phần lớn từ hoạt động tư vấn đầu tư, ghi nhận gần 180 tỷ đồng, tương ứng tỷ trọng khoảng 70%, còn lại là mảng quản lý quỹ và một phần nhỏ doanh thu ủy thác.
VinaCapital đứng thứ hai với quy mô doanh thu hơn 98 tỷ đồng, tăng 13%. Đóng góp chính vào cơ cấu là hoạt động ủy thác, chiếm khoảng 52%. Tuy nhiên, mảng mang về tăng trưởng lại là hoạt động quản lý quỹ và các khoản phí môi giới, phát hành, mua lại chứng chỉ quỹ.
Các vị trí còn lại trong top 10 ghi nhận 4 công ty có “gốc” bảo hiểm là Manulife IM (gần 96 tỷ đồng), Eastspring Investments (hơn 89 tỷ đồng), Bao Viet Fund (gần 41 tỷ đồng) và Dai-ichi Life (gần 36 tỷ đồng). Các mức biến động cũng không quá lớn so với cùng kỳ.
Với nguồn tiền “khổng lồ” từ các tập đoàn bảo hiểm, các công ty QLQ này mang về khoản thu lớn và khá đều đặn từ việc nhận ủy thác, đóng góp từ khoảng 90% doanh thu. Danh mục đầu tư chủ yếu là vào kênh trái phiếu Chính phủ ít rủi ro.
Xét về tăng trưởng doanh thu so với cùng kỳ năm 2023, QLQ I.P.A (IPAAM) dẫn đầu ngành khi mang về doanh thu gấp 15 lần, đạt hơn 30 tỷ đồng, nhờ quy mô của hoạt động ủy thác tăng mạnh.
Tương tự IPAAM, QLQ Thành Công (TCAM) lọt vào top tăng trưởng với doanh thu gấp gần 11 lần cùng kỳ, đạt gần 5 tỷ đồng, cũng nhờ mảng ủy thác đột biến. Ngoài ra, doanh thu quý 4 cũng có sự đóng góp không nhỏ từ doanh thu hoạt động tư vấn đầu tư phát sinh thêm.
Các vị trí còn lại trong top 5, QLQ HD (HDCapital) và QLQ Đầu tư Đỏ (Red Capital) bứt phá doanh thu gấp khoảng 4.8 lần cùng kỳ, nhờ động lực từ mảng tư vấn đầu tư chứng khoán; trong khi QLQ Kỹ Thương (Techcom Capital) cũng có doanh thu gấp 4.7 lần nhờ hoạt động quản lý quỹ tăng mạnh.
Ở top 5 giảm mạnh nhất, QLQ NTP (NTPAM) dẫn đầu với mức giảm lên đến 66%, còn lại chưa đến 2 tỷ đồng, do khoản thu từ mảng tư vấn đầu tư sa sút. Tiếp đến là QLQ Trí tuệ Việt Nam (IVAM) giảm 47%, do không còn doanh thu từ phí thưởng hoạt động.
Với 3 vị trí tiếp theo, cả QLQ Sài Gòn (Saigon Capital), QLQ Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCB Capital) và QLQ Đầu Tư Chứng Khoán Vietcombank (VCBF) lần lượt giảm 43%, 37% và 29% doanh thu, đều do mảng ủy thác đi xuống.
Về lợi nhuận, tổng quy mô lãi ròng toàn ngành đạt gần 452 tỷ đồng trong quý 4, tăng 39% so với cùng kỳ. Trong đó, 34 trên tổng số 43 công ty QLQ có lãi ròng, còn lại 9 doanh nghiệp chịu lỗ.
QLQ Thiên Việt (TVAM) dẫn đầu ngành với lãi ròng hơn 114 tỷ đồng, gấp gần 6 lần cùng kỳ. Điểm đáng chú ý là lợi nhuận của TVAM thậm chí gấp hơn 7 lần doanh thu hoạt động, trong khi cùng kỳ chỉ gấp khoảng 2 lần. Nguyên nhân của mức lợi nhuận đột biến đến từ việc gần như không còn ghi nhận chi phí hoạt động hợp tác đầu tư vốn dĩ đến từ hoạt động ủy thác.
Trong bảng xếp hạng, các công ty “gốc” bảo hiểm tiếp tục phát huy lợi thế về quy mô ủy thác để sở hữu mức lãi ròng cao.
Ngoài ra, ngành ghi nhận 3 trường hợp chuyển lỗ thành lãi là Leadvisors, PVCB Capital và Việt Tín (Việt Tín Capital).
Xét về tốc độ tăng trưởng, 2 công ty nằm trong top tăng trưởng doanh thu là Red Capital và IPAAM tiếp tục góp mặt, dẫn đầu với lãi ròng lần lượt gấp 33 lần và 11 lần cùng kỳ. Một số cái tên khác cũng có lãi ròng tăng mạnh là QLQ MB (MBCapital), TVAM hay QLQ KIM Việt Nam (KIM).
Trong khi đó, loạt “tên tuổi” trong ngành như QLQ SSI (SSIAM), Dragon Capital lại rơi vào nhóm có lãi ròng giảm mạnh nhất, với SSIAM giảm gần 93% và Dragon Capital giảm 57%.
Lý giải cho kết quả kém cỏi này, SSIAM cho biết do đã đẩy mạnh bán hàng, tăng cường giới thiệu sản phẩm khiến chi phí hoạt động kinh doanh tăng mạnh. Còn với Dragon Capital, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh là nguyên nhân chủ yếu.
Ngoài ra, nhóm công ty suy giảm lợi nhuận còn xuất hiện nhiều cái tên quen thuộc như VCBF, QLQ Bản Việt (VCAM), VinaCapital…
Ở chiều báo lỗ, trong 9 công ty lỗ ròng ở quý 4, IVAM lỗ nặng nhất với hơn 6 tỷ đồng. Trong đó, 3 trường hợp chuyển lãi thành lỗ là NTPAM, QLQ Rồng Việt (VDAM) và Amber Capital.