A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Biến động lớn tại “vua nha đam” sau khi báo lãi kỷ lục, cổ phiếu bất ngờ tăng “bốc đầu”

Biến động lớn trong cơ cấu cổ đông diễn ra khi cổ phiếu vua nha đam đang có đà tăng mạnh sau khi ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc quý đầu năm.

CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Chứng khoán Bản Việt (VCAM) vừa thông báo đã hoàn tất bán ra toàn bộ 5,9 triệu cổ phiếu GCF, tương đương 19,23% vốn của CTCP Thực phẩm G.C. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thoả thuận trong ngày 17/5 với giá trị hơn trăm tỷ đồng, tương ứng giá thoả thuận bình quân 17.000 đồng/cp.

VCAM là cổ đông liên quan ông Phạm Hợp Phố, thành viên HĐQT GCF. Ông Phố hiện là Tổng Giám đốc VCAM và không trực tiếp nắm giữ cổ phiếu GCF. Sau giao dịch, VCAM không còn là cổ đông của GCF.

Cũng trong ngày 17/5, bà Nguyễn Thị Minh Tú đã mua 2,96 triệu cổ phiếu GCF để nâng sở hữu lên 4,38 triệu đơn vị (tỷ lệ 14,22%) qua đó trở thành cổ đông lớn. Tương tự, ông Đoàn Minh Quân cũng mua 2,94 triệu cổ phiếu GCF cùng ngày 17/5 để trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 9,58%. Đây là 2 cổ đông cá nhân không có người nội bộ liên quan.

Biến động lớn trong cơ cấu cổ đông diễn ra khi GCF đang có đà tăng mạnh. Kết phiên 22/5, thị giá GCF dừng ở mức 21.100 đồng/cp, tăng gần 40% từ đầu năm. Cổ phiếu GCF tăng mạnh trong bối cảnh tình hình kinh doanh của công ty có nhiều khởi sắc.

photo-1716436825760

Quý đầu năm, GCF ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 119 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 7,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 9,4% và 23% so với cùng kỳ 2023. Đây cũng là mức lợi nhuận cao kỷ lục trong một quý từ khi doanh nghiệp công bố BCTC.

Năm 2024, công ty đặt mục tiêu doanh thu hơn 572 tỷ và lợi nhuận sau thuế 52,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 20,6% và 100% so với thực hiện 2023. Với kết quả đạt được trong quý đầu năm, GCF đã thực hiện 21% kế hoạch doanh thu và 14% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

G.C Food gia nhập ngành nha đam, thạch dừa hơn 10 năm, là doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này dẫn đầu thị trường Việt Nam với sản lượng hơn 20.000 tấn một năm, có mặt ở 19 quốc gia trên thế giới, thường được mệnh danh là "vua nha đam".

Công ty sở hữu nhà máy chế biến nha đam Vietfarm (Ninh Thuận) với công suất 35.000 tấn lá tươi mỗi năm, cho ra 15.000 tấn thành phẩm và nhà máy thạch dừa Vinacoco (Đồng Nai) với công suất khoảng 12.000 tấn thành phẩm một năm.

Giai đoạn 2024-2026, GCF định hướng phát triển công ty công nghệ cao, kiểm soát 100% được chuỗi cung ứng từ nguyên liệu đầu vào cho tới sản xuất. Mục tiêu đạt tăng trưởng kép 30% từ nay tới 2028. Dần hoàn thiện vùng nguyên liệu nha đam với diện tích lên 500 ha.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan