“Cởi trói” cho doanh nghiệp du lịch
Trước thềm mở cửa đường bay quốc tế, các doanh nghiệp du lịch vẫn mong cơ chế, chính sách đón tiếp khách du lịch được các cấp thẩm quyền thống nhất tạo nên sự thuận lợi.
>>Doanh nghiệp du lịch hoang mang trước kiến nghị của Bộ Y tế
Sự thống nhất giữa các Bộ, ngành trong phương án đón tiếp, phục vụ khách du lịch quốc tế chính là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp tự tin bùng nổ các dịch vụ trong dịp mở cửa đường bay.
Doanh nghiệp chờ khách du lịch
Trước thềm Chính phủ công bố mở cửa hoàn toàn đường bay quốc tế, hầu hết các doanh nghiệp du lịch đã trong tinh thần sẵn sàng phục vụ lượng khách du lịch đến Việt Nam. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã nâng cấp dịch vụ, củng cố cơ sở vật chất cũng như lên kế hoạch đón tiếp trong bối cảnh bình thường mới.
Song song với việc đón tiếp, hầu hết các doanh nghiệp đã công bố, liên kết với các đơn vị lữ hành để xây dựng lộ trình tham quan, nghỉ dưỡng. Trong bối cảnh hiện tại, ngoài việc đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh các doanh nghiệp cũng đang thúc đẩy, xây dựng nhiều phương án hướng đến lĩnh vực du lịch xanh, thân thiện môi trường và việc còn lại chỉ là chờ đợi.
Các doanh nghiệp du lịch vẫn mong cơ chế, chính sách đón tiếp khách du lịch được các cấp thẩm quyền thống nhất tạo nên sự thuận lợi.
Bà Nguyễn Thị Phương Nhung - Phó Tổng Giám đốc tập đoàn FVG cho biết tập đoàn FVG đã sẵn sàng với việc đón khách du lịch trở lại Đà Nẵng sau gần 2 năm ngành du lịch Đà Nẵng đóng băng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đặc biệt, đơn vị cũng đã liên kết, có những bước tái khởi động hưởng ứng cho Năm du lịch Quốc gia tại Quảng Nam với nhiều công tác chuẩn bị để mở cửa đón khách du lịch trở lại.
“Hiện nay, FVG vẫn đang âm thầm và mải miết chuẩn bị sẵn sàng cho sự trở lại, đồng thời ráo riết hoàn thiện những bước chuẩn bị cuối cùng cho khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang để sẵn sàng đón khách từ quý 2/2022. Đồng thời, tập đoàn FVG sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp, xây dựng thêm nhiều hạng mục công trình mới cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch từ hệ thống khách sạn, nhà hàng đến khu du lịch nghỉ dưỡng”, bà Nhung cho biết.
Cũng theo vị này, FVG thời gian qua đã thăm dò thị trường để tìm phương án đón tiếp phù hợp với tình hình thị trường khách thực tế. Bởi lẽ, những biến động phức tạp của tình hình dịch bệnh hiện nay cũng ảnh hưởng nhiều đến tâm lý du khách.
“Bước đầu, việc mở cửa các cơ sở lưu trú sẽ hoạt động với công suất khoảng 30 - 40% so với trạng thái bình thường do liên quan đến các vấn đề nhân sự, chi phí, nhu cầu thực tế…, Đồng thời, doanh nghiệp cũng đang chờ sự hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành trong việc hướng dẫn đón khách du lịch quốc tế, điều kiện, công tác phòng chống dịch bệnh đi kèm”, bà Nguyễn Thị Phương Nhung nói thêm.
“Cởi trói” khung pháp lý
Ông Cao Trí Dũng – đại diện Công ty CP VietNam Travelmart chia sẻ với tư cách là một trong những công ty lữ hành lớn trên địa bàn thành phố đã nhanh chóng triển khai các hoạt động khảo sát điểm đến, rà soát hệ thống cung ứng, trao đổi với các đối tác cả trong và ngoài nước. Theo ông Dũng, việc liên kết đối với các đối tác hàng không cũng là hoạt động cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
“Hiện tại, các doanh nghiệp cần bám sát các chủ trương, kế hoạch của Lãnh đạo thành phố, của Sở Du lịch để hình thành các sản phẩm hấp dẫn phù hợp với từng thị trường, từng loại hình khách và nhanh chóng triển khai công tác chào bán. Đến nay, công ty đã nhận được rất nhiều yêu cầu từ các thị trường lớn trong việc đưa khách quay lại Đà Nẵng”, ông Cao Trí Dũng cho hay.
Là một đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trú lớn trên địa bàn TP Đà Nẵng, thời gian qua khách sạn Mường Thanh Luxury Đà Nẵng vẫn luôn giữ chân lực lượng lao động chờ ngày du lịch được phục hồi. Đặc biệt, với hơn 1200 phòng đơn vị này cho biết chỉ cần lượng khách quốc tế quay trở lại thành phố thì các gói sản phẩm hấp dẫn sẽ được tung ra ngay trong “thời điểm vàng”.
Theo ông Nguyễn Văn Duẩn – Giám đốc khách sạn Mường Thanh Luxury Đà Nẵng qua 2 năm khó khăn phía khách sạn vẫn giữ nguyên nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và tâm lý sẵn sàng tái khởi động cho ngày mở cửa. Ông Duẩn nhận định, vấn đề doanh nghiệp hiện nay quan tâm đó là những quy định về việc đón khách trong thời gian tới trong xét nghiệm và đi lại thì Bộ Y tế và Văn hóa - Thể Thao & Du lịch vẫn chưa có văn bản cuối cùng.
"Cởi trói" khung pháp lý, các doanh nghiệp sẽ có thêm sự tự tin trong việc tung ra chuỗi sản phẩm dịch vụ, từ đó thu hút thêm lượng khách quốc tế khi đến Việt Nam.
“Hiện tại, các địa phương và doanh nghiệp vẫn phụ thuộc vào văn bản này nhưng chưa nhận được nên việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc đón khách thuộc về các đơn vị lữ hành, còn doanh nghiệp lưu trú sẽ có giấy chứng nhận đủ điều kiện đón khách có hộ nhiều vaccine nhưng hiện nay các doanh nghiệp lữ hành tại Đà Nẵng vẫn chưa có động thái gửi khách quốc tế dẫn đến hoạt động khôi phục du lịch bị chững lại”, ông Duẩn cho hay.
Theo đề xuất của ông Duẩn, hiện khách du lịch nội địa di chuyển giữa các tỉnh thành với nhau không bị ràng buộc các quy định về phòng, chống dịch thì khách quốc tế thông thường cũng cần được ứng xử tương tự. Ông Duẩn cho rằng các chi phí xét nghiệm, cách ly quá nhiều sẽ gây giảm nhu cầu của khách hàng trong thời gian tới.
“Các thành phố du lịch muốn lấp đầy hoặc có công suất phòng ở mức đáp ứng được thì buộc phải có khách quốc tế, điển hình cả Đà Nẵng đều là khách sạn mà khách nội địa chỉ đi vào cuối tuần thì rất khó cho các đơn vị lưu trú. Chỉ có khách quốc tế mới có thể cứu vãn tình hình, do đó khi áp dụng các quy định với khách nội địa thế nào thì áp dụng với khách quốc tế như thế, có như thế mới thu hút được lượng khách đến với Đà Nẵng, cũng như đến Việt Nam sau thời điểm công bố mở cửa hòan toàn đường bay”, ông Nguyễn Văn Duẩn nhấn mạnh.