A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường bất động sản từ nay đến hết năm 2024 sẽ đi theo kịch bản nào?

Các chuyên gia đồng tình cho rằng, thị trường bất động sản sẽ nghiêng theo kịch bản phục hồi nhanh và phát triển mạnh nhưng cần có các yếu tố đòn bẩy như vốn đầu tư nước ngoài tăng, hoàn thiện văn bản dưới các luật, nới lỏng chính sách tiền tệ tài chính.

Tại toạ đàm Chuyển động bất động sản 2024 - Xung lực năm bản lề diễn ra mới đây, một số kịch bản được đưa ra cho thị trường năm 2024 gồm có: Một là xu thế phục hồi chậm nếu các chính sách tác động đến thị trường không có gì đột biến; Hai là phục hồi nhanh và phát triển mạnh nhưng cần có các yếu tố đòn bẩy như vốn đầu tư nước ngoài tăng, hoàn thiện văn bản dưới các luật, nới lỏng chính sách tiền tệ tài chính; Ba là thoái trào nếu không có nguồn lực và động lực để phát triển.

Trong ba kịch bản này, ông Bùi Quý Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Flamingo cho rằng, thị trường sẽ nghiêng về kịch bản thứ 2, là đang trên đà phục hồi.

“Nói một cách lạc quan thì thị trường vẫn đang trên đà phục hồi. Bởi nếu nói là phục hồi nhanh thì cũng không đúng.

Các luật như Luật nhà ở và kinh doanh bất động sản, Luật tổ chức tín dụng, Luật đất đai đang xin ý kiến các đơn vị liên quan để làm sao để có hiệu lực sớm nhất là ngày 1/7/2024. Tôi nghĩ sẽ có một độ trễ nhất định nhưng thị trường sẽ dần dần phục hồi trở lại”, ông Trung nhận định.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng, thị trường đang phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, theo ông Hải, điều kiện đủ không phải là vốn đầu tư nước ngoài.

“Thị trường đang phục hồi và phát triển nhưng không nhất thiết phải có yếu tố đầu tư của nước ngoài. Bởi vì yếu tố trong nước tôi cho rằng cũng đủ cơ sở để chúng ta phát triển”, ông Hải nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đình Đức cũng đồng tình với kịch bản 2, tuy nhiên theo ông, chúng ta cần xem xét lại một chút. “Bởi vì thị trường không thể phục hồi mạnh mẽ ngay khi các dự thảo luật, các biện pháp tháo gỡ sẽ cần thời gian để đi vào thực tế”, ông Đức lý giải.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong điều hành vĩ mô, Chính phủ đang hướng đến những việc để khắc phục, tháo gỡ những vấn đề đang tạo ra sự khủng hoảng, suy thoái từ những năm 2022-2023 vừa qua. Những tháo gỡ đó đã diễn ra trong năm 2023 với một chuỗi điều hành, chỉ đạo, chỉ thị của Chính phủ và đang có kết quả.

Cụ thể, chúng ta duy trì được nhịp tăng trưởng kinh tế, ngăn ngừa nguy cơ lạm phát, tỷ giá. Gần đây tỷ giá có tăng lên nhưng ngân hàng Nhà nước đã cam kết có giải pháp để ổn định lại.

Về thể chế, ông Đính cho biết, ít nhất trong tháng 7 có một phần của 4 Luật đã có thể được tháo gỡ.

“Khi điểm nghẽn pháp lý được tháo gỡ, Nghị định được ban hành theo chỉ đạo của Chính phủ phải có hiệu lực, cơ sở ngay để các địa phương gỡ vướng cho các dự án đang nằm đợi. Lúc đó, các dự án sẽ được triển khai, công trường lại vang tiếng máy, công nhân lại đến kích hoạt các hoạt động khác phục vụ công trường ấy”, ông Đính phân tích.

Những điều đó cho thấy, kinh tế sẽ có sự bắt đầu tăng lên. Nguồn hàng trên thị trường bắt đầu được đẩy vào. Nguồn cung được bơm ra, giảm áp lực cầu cao cung thấp, làm thỏa mãn việc mua bán đầu tư, dòng tiền cũng sẽ tuần hoàn. “Tất cả điều đó sẽ diễn ra sau khi có độ ngấm của chính sách, làm tăng sự lưu thông của nền kinh tế”, ông Đính nhấn mạnh.

Trong báo cáo thị trường bất động sản quý 1/2024 và dự báo quý 2/2024 của Dat Xanh Services nhận định, thị trường bất động sản hiện có nhiều dấu hiệu tích cực và được đánh giá đang trên đà phục hồi. Thị trường có thể dần phục hồi từ đáy chữ U, tuy nhiên, thời gian phục hồi nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào các yếu tố tác động cả vĩ mô lẫn vi mô.

Dự báo, thị trường bất động sản quý 2/2024 (phân khúc bất động sản nhà ở) có thể rơi vào một trong các kịch bản: lý tưởng, kỳ vọng hay thách thức. 

Trong kịch bản lý tưởng, nguồn cung tăng 30% - 40%, lãi suất thả nổi từ 8% - 10%, giá bán tăng 10% - 20%, tỷ lệ hấp thụ đạt 40% - 50%. 

Còn kịch bản kỳ vọng, nguồn cung tăng 20% - 30%, đồng thời lãi suất thả nổi từ 9% - 11%, giá bán tăng 3% - 5%, tỷ lệ hấp thụ đạt 30% - 35%. 

Ở kịch bản thách thức, nguồn cung tăng 10% - 20%, lãi suất thả nổi từ 10% - 12%, giá bán đi ngang, tỷ lệ hấp thụ đạt 25% - 30%.

Nhưng căn cứ dữ liệu phân tích thị trường tính đến ngày 31/3/2024, chuyên gia của Dat Xanh Services nghiêng về kịch bản kỳ vọng. Cụ thể, thị trường bất động sản quý 2 sẽ có nguồn cung mới tăng khoảng 20 - 30%, giá bán tăng nhẹ 3-5% và tỷ lệ hấp thụ chung đạt từ 30% - 35%.

Phương Hoàng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan