A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ hội lớn cho thị trường bất động sản sau khi sáp nhập tỉnh, thành

Khi "điểm nghẽn của điểm nghẽn" được gỡ rối cùng quyết sách sáp nhập các thành tỉnh, thành được kỳ vọng sẽ có sự thay đổi lớn cho thị trường bất động sản.

Cơ hội lớn cho thị trường bất động sản sau khi sáp nhập tỉnh, thành

Việc sáp nhập các thành tỉnh, thành được kỳ vọng sẽ có sự thay đổi lớn cho thị trường bất động sản. Ảnh: Cao Nguyên.

Hướng tới mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo, kinh tế tư nhân, trong đó có lĩnh vực bất động sản, đã nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ.

Theo đó, việc ưu tiên nguồn vốn và thúc đẩy triển khai giải ngân nhanh cho việc đầu tư các dự án hạ tầng lớn trong cả nước là một điển hình; hay như tập trung tháo gỡ cho hơn hàng nghìn dự án có vướng mắc trong quá trình triển khai.

Đặc biệt, bước sang ngày thứ 4 khi cả nước thực hiện cải cách tổ chức không gian phát triển, sáp nhập tỉnh/thành, giờ đây bài toán quy hoạch và chiến lược phát triển của 34 tỉnh, thành thay vì 63 tỉnh, thành như trước đây trong không gian phát triển mới của cả nước sẽ tạo cơ hội lớn lẫn thách thức đan xen cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Tại “Diễn đàn đầu tư bất động sản trong kỷ nguyên mới" do Tạp chí điện tử TheLEADER tổ chức, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam đang đứng trước thời điểm có tính bước ngoặt.

Ông Thiên nhận định, tăng trưởng kinh tế sắp tới có khả năng hướng đến mức hai con số, tức gấp đôi hiện nay. Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản chắc chắn sẽ bùng nổ, nhưng rất khó hình dung cụ thể về quy mô và hình thái phát triển.

Vị chuyên gia nhấn mạnh quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính sẽ mở ra cách thức tổ chức phát triển mới theo hướng mở rộng. Không chỉ là không gian địa lý, mà còn là không gian cơ hội. Bởi lẽ, các lợi thế và bất lợi thế của từng địa phương sẽ cộng hưởng, tác động lẫn nhau.

“Do đó, chúng ta cần rà soát, đo lại toàn bộ lợi thế phát triển” - PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa - Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển - tin tưởng, trong bối cảnh hiện tại, thị trường bất động sản đang mở ra những cơ hội mới đầy tiềm năng.

Theo TS Nghĩa, chủ trương sáp nhập tỉnh, thành là một bước đi chiến lược, hứa hẹn sẽ tạo ra một làn sóng đô thị hóa mạnh mẽ trên khắp cả nước.

TS. Lê Xuân Nghĩa - Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển. Ảnh: Hoàng Anh.
TS. Lê Xuân Nghĩa - Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển. Ảnh: Hoàng Anh.

“Chúng ta có thể kỳ vọng vào sự hình thành của các thành phố vệ tinh hiện đại, những đô thị song sinh sầm uất, từ đó kiến tạo một thị trường bất động sản với động lực tăng trưởng mới” - TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Theo ông Nghĩa, hàng loạt các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia về đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc, cảng biển cùng nhiều công trình khác sẽ khơi dậy một xu hướng đô thị hóa chưa từng có, không chỉ tập trung ở các thành phố lớn mà còn lan tỏa đến nhiều vùng miền trên cả nước.

Với sự phát triển của giao thông, khoảng cách địa lý sẽ không còn là rào cản lớn. Việc di chuyển giữa các tỉnh thành, giữa nơi ở và nơi làm việc sẽ trở nên nhanh chóng và thuận tiện, tạo ra một diện mạo mới cho thị trường bất động sản.

“Tôi kỳ vọng rằng sự phát triển này sẽ từng bước đưa giá bất động sản về với giá trị thực, sau những biến động do tình trạng thiếu hụt nguồn cung trước đây gây ra” - TS Nghĩa nói thêm.

Theo ông Nghĩa thị trường bất động sản Việt Nam đang đứng trước những vận hội mới đầy hứa hẹn. Để nắm bắt được những cơ hội này, các doanh nghiệp cần có một tư duy mới, linh hoạt, sáng tạo và chú trọng đến việc khơi thông các nguồn lực trong nước...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết