Giảm hệ số rủi ro cho bất động sản
Nhiều chuyên gia cho rằng, NHNN nên cân nhắc giảm hệ số rủi ro cho một số phân khúc bất động sản (BĐS) để tăng khả năng cung ứng tín dụng đối với lĩnh vực này.
Đây cũng là một trong những nội dung chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023.
Theo quy định hiện hành, hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay kinh doanh BĐS được áp ở mức cao nhất là 200%. Chỉ riêng các khoản cho vay cá nhân để mua nhà dưới 1,5 tỷ đồng được áp hệ số rủi ro 50%; trong khi các khoản cho vay cá nhân để mua nhà trên 4 tỷ đồng cũng có hệ số rủi ro là 150%.
Hệ số rủi ro ảnh hưởng rất lớn tới hệ số an toàn vốn của các ngân hàng. Theo đó, các khoản cho vay có hệ số rủi ro cao đòi hỏi các ngân hàng phải có lượng vốn tự có “đối ứng” cao mới đảm bảo hệ số an toàn vốn. Vì vậy, nó không khuyến khích các ngân hàng cho vay những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Sở dĩ như vậy do nguồn vốn của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, trong khi các khoản cho vay BĐS có thời hạn rất dài. Nếu khoản cho vay BĐS không được kiểm soát tốt, có thể dẫn tới nhiều rủi ro cho ngân hàng.
Điều chỉnh thế nào?
Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù việc tính hệ số rủi ro cao đối với hoạt động cho vay kinh doanh BĐS là phù hợp nhằm bảo đảm an toàn cho các TCTD, nhưng trong bối cảnh thị trường BĐS đang rất khó khăn về vốn, NHNN nên điều chỉnh giảm hệ số rủi ro đối với một số phân khúc BĐS. Bởi BĐS công nghiệp đang có tiềm năng phát triển khi mà dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam. Bên cạnh đó, các phân khúc nhà ở xã hội hay nhà ở thương mại giá rẻ cũng đang thiếu nguồn cung, trong khi nhu cầu của người dân là rất lớn.
TS. Cấn Văn Lực– Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, cũng cho rằng, Bộ Xây dựng nên phân loại BĐS theo các nhóm có mức độ rủi ro khác nhau. Trên cơ sở phân loại của Bộ Xây dựng, NHNN sẽ điều chỉnh lại hệ số rủi ro cho phù hợp.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh giảm hệ số rủi ro đối với một số phân khúc BĐS cũng chỉ là giải pháp tình thế. Còn về lâu dài, việc áp hệ số rủi ro cao với những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng là hoàn toàn hợp lý.
Các doanh nghiệp BĐS cũng cần cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp với thị trường, tránh tình trạng lệch pha cung - cầu như hiện tại. Các cơ quan chức năng cần có giải pháp ngăn chặn tình trạng đầu cơ, thổi giá BĐS. Chỉ có như vậy thì mức độ rủi ro tổng thể đối với lĩnh vực này mới giảm trên thực tế.