A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gần 1,5 tỷ đồng một căn nhà ở xã hội là đắt hay rẻ?

Thị trường bất động sản rơi vào cơn bĩ cực, cùng với những động thái điều chỉnh của Chính phủ khi nắn dòng tiền vào phân khúc nhà ở xã hội khiến nhiều người kỳ vọng sẽ mua được nhà với giá rẻ hơn. Thế nhưng, thực tế cho thấy giấc mơ sẽ khó thành hiện thực.

Ngày 29/3, một dự án nhà ở xã hội tại đường Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký đợt mua đầu tiên, giá bán được công bố là... gần 20 triệu đồng/m2! Một con số gây thất vọng, thậm chí đủ gây “sốc” cho những người có thu nhập thấp và trung bình.

Nhà giá rẻ vẫn ngoài tầm với

Cụ thể, Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố thông tin dự án và thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội đợt 1 của dự án nhà ở xã hội tại ô đất HH-02A thuộc dự án nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu, phường Trung Văn.

Theo công bố, dự án này có diện tích hơn 2.726 m2, quy mô dân số 560 người. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng NHS với tổng mức đầu tư hơn 570 tỷ đồng. Dự án là một khối chung cư cao 32 tầng và 2 tầng hầm, tổng số căn hộ là 275 căn, trong đó có 225 căn nhà ở xã hội và 50 căn để kinh doanh thương mại.

Giá mở bán ở mức hơn 19,5 triệu đồng/m2 (đã gồm VAT) và phí bảo trì 371.869 đồng/m2, còn giá thuê căn hộ khoảng 99.000 đồng/m2/tháng. Đồng nghĩa, để sở hữu căn hộ có diện tích nhỏ nhất 69,9 m2, người dân phải bỏ ra số tiền khoảng 1,4 tỷ đồng. Với diện tích lớn nhất 76,8 m2, giá căn hộ là gần 1,5 tỷ đồng.

-8493-1680082055.jpg

Theo chuyên gia, giá nhà ở xã hội sẽ khó dưới mức 17-20 triệu đồng/m2.

Cần nhấn mạnh, đây là mức giá bán dự án nhà ở xã hội lần đầu cao nhất từ trước đến nay tại Hà Nội. Trước đây, mức giá được phê duyệt thường dao động ở mức 13-17 triệu đồng/m2. Điều này làm dấy lên tranh cãi mạnh mẽ trong cộng đồng người mua nhà.

Gần 8 năm làm việc tại Hà Nội, tiết kiệm được hơn 600 triệu đồng, anh Nguyễn Quốc Cường (quê Hà Nam) cho rằng mức giá gần 1,5 tỷ đồng vẫn là rất “chát” với những người có thu nhập dưới 20 triệu đồng/tháng.

“Với mức giá 1,5 tỷ, nếu muốn mua nhà, tôi sẽ phải vay gần 900 triệu đồng. Bỏ qua quy trình vay hiện tại được ví như "leo cột mỡ", thì với lãi suất 10-12%/năm, tôi sẽ phải trả khoảng 150 triệu đồng/năm (gốc và lãi), bình quân hơn 12 triệu đồng/tháng. Kinh tế khó khăn, chi tiêu đội lên, đây thực sự là bài toán khó”, anh Cường chia sẻ.

Người dân thì rõ ràng luôn mong giá nhà, đặc biệt là giá nhà ở xã hội có thể giảm thêm, tuy nhiên, theo chuyên gia, với đà gia tăng của vật giá, chi phí xây dựng, đất nền, thủ tục pháp lý kéo dài… thì mức giá 1,5 tỷ đồng/căn đã là bình dân, hoặc ít nhất cũng là chấp nhận được.

Cấp thiết “gỡ vướng”

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Xây dựng Lê Thành khẳng định, với chi phí đầu vào cao như hiện tại, đừng nói đến mức giá 20 triệu đồng/m2, muốn có nhà ở xã hội ở tầm giá 25 triệu đồng/m2, doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ về quỹ đất và cơ chế.

Thực tế, theo ông Nghĩa, làm nhà ở xã hội chỉ lãi 10% nhưng thời gian làm mất hết 5 năm, vậy mỗi năm lợi nhuận chỉ có 2%. Do đó, nếu không có nhiều tâm huyết thì các doanh nghiệp sẽ không làm.

“Điều đáng nói là khi chúng tôi làm thì lại bị thanh kiểm tra liên tục, kiểu như "mua dây buộc mình". Các doanh nghiệp khác thấy vậy cũng sợ. Tóm lại, câu chuyện của nhà ở xã hội là cần “gỡ vướng”. Vướng ở đây là luật. Các quy định trong luật do chính con người làm ra, sao chúng ta không sửa?”, vị đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.

Cùng góc nhìn, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Hoàng Quân, trong một hội thảo mới đây đã đề cập đến “bộ 4 rào cản” trong phát triển, xây dựng nhà ở xã hội, gồm: vốn, quỹ đất, chính sách và thủ tục hành chính.

Trước hết, về vấn đề thủ tục đầu tư xây dựng, mua - bán nhà ở xã hội, hiện vẫn bị cho là vô cùng phức tạp, kéo dài, thậm chí khó khăn hơn cả làm nhà ở thương mại. Chi phí đầu vào cao, thời gian kéo dài trong khi giá bán thì phải rẻ khiến nhiều doanh nghiệp thiếu “mặn mà”.

Những diễn biến từ thực tế cũng chỉ ra nếu các vướng mắc về pháp lý không được tháo gỡ thì mục tiêu có 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030 khó thành hiện thực và giấc mơ an cư lạc nghiệp của người lao động mãi mãi xa vời.

Rõ ràng, trong bối cảnh hiện tại, rất khó để đòi hỏi giá nhà ở xã hội có thể thấp hơn mức 15-20 triệu đồng/m2. Vì vậy, để hỗ trợ người mua nhà, giải pháp hiệu quả nhất là tăng cường các chính sách ưu đãi về lãi suất vay, đồng thời nhanh chóng gỡ khó cho doanh nghiệp để tăng nguồn cung.

Trước hết, theo chuyên gia, Chính phủ cần đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết để cấp bù lãi suất, cho người mua nhà ở xã hội lẫn doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà này được hưởng mức lãi suất ưu đãi, khoảng 5% mỗi năm.

Ngoài ra, cần thúc đẩy xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp thuê với mức giá hợp lý. Chính sách cho thuê cũng cần được xây dựng cụ thể, rõ ràng về nhóm đối tượng, hình thức và thời gian thuê…

Hưng Nguyên


Tác giả: Hưng Nguyên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan