Xử lý nghiêm hành vi buôn bán kit test Covid-19 không rõ nguồn gốc
Tổng Cục QLTT yêu cầu các đơn vị xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi buôn bán mặt hàng kit test COVID-19, thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng…
260 bộ kit test nhanh Covid-19 sản xuất ngoài Việt Nam nhập lậu bị Cục QLTT Lạng Sơn phát hiện. Ảnh: QLTT
Theo đó, trước hiện tượng buôn bán mặt hàng kit test Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu nhập lậu, thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, đơn vị này đã ban hành công văn số 235/TCQLTT-CNV ngày 22/2/2022 gửi Cục Quản lý thị trường (QLTT) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng kit test COVID-19.
Cụ thể, theo Tổng cục QLTT, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu mua kit test COVID-19 (Bộ xét nghiệm nhanh virus Sars-cov-2) của người dân tăng cao. Thời gian gần đây, theo phản ánh của các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội có hiện tượng một số đối tượng buôn bán mặt hàng kit test COVID-19 và các sản phẩm thuốc điều trị COVID-19 chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành, có dấu hiệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng.
Để đảm bảo quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung tại các công văn số 3005/TCQLTT-CNV ngày 30/12/2021 về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19; Công văn số 846/TCQLTT-CNV ngày 10/5/2021 vể việc tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 và thực hiện các nhiệm vụ.
>>Vụ “thổi giá” kit test COVID-19: Cần làm rõ trách nhiệm của các bộ liên quan
Cụ thể, chỉ đạo các Đội QLTT chủ động thu thập thông tin, tăng cường công tác quản lý địa bàn để chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi buôn bán mặt hàng kit test COVID-19, thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống dịch COVID-19 đồng thời yêu cầu cán bộ, công chức trong đơn vị thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của ngành Y tế và Văn phòng Tổng cục QLTT.
Theo tìm hiểu, kit test COVID-19 tăng giá, khan hàng ở nhiều nơi. Trung bình, giá bộ kít xét nghiệm tại nhiều hiệu thuốc trên địa bàn Hà Nội đã tăng từ 15-20% so với trước Tết nguyên đán. Nguyên nhân bởi số ca F0 trong khoảng hai tuần qua tăng cao.
Ngày 22/2, theo Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận thêm 55.871 ca COVID-19 trong nước, tăng 9.010 ca so với ngày trước đó. Đáng chú ý, Hà Nội ghi nhận 6.860 ca (tăng 1.382 ca so với ngày trước đó).
Hiện Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị cung ứng công khai giá các sản phẩm liên quan tới COVID-19 trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Bộ cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng nguồn cung kit test COVID-19, đồng thời yêu cầu các đơn vị sản xuất, phân phối, nhập khẩu và kinh doanh kit test thực hiện công khai giá, cập nhật giá để các đơn vị và người dân dễ dàng tra cứu.
Tính đến tháng 2, cả nước có khoảng 30 loại test nhanh kháng thể và 83 loại test nhanh kháng nguyên COVID-19 được Bộ Y tế cấp phép. Với test nhanh kháng nguyên, trong nước có 3 sản phẩm và 80 loại nhập khẩu. Trong Thông tư hướng dẫn giá xét nghiệm COVID-19 ban hành ngày 18/2/2022, Bộ Y tế quy định với test nhanh, mức thanh toán không quá 78.000 đồng một xét nghiệm.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, hiện có nhiều loại kít test nhanh COVID-19 rao bán trên thị trường. Người dân nên thận trọng khi chọn mua, và chỉ mua các loại kit test nằm trong danh mục được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Khi mua ở hiệu thuốc, người dân cần hỏi rõ nguồn gốc, xuất xứ, cũng như giấy phép lưu hành theo quyết định nào của Bộ Y tế. Nếu mua online, người dân chỉ mua sản phẩm kit test COVID-19 tại các đơn vị uy tín, được cấp phép kinh doanh. |