Việt Nam cần sớm quy định ngưỡng giới hạn ethylene oxide trong thực phẩm
Sau vụ việc một số lô hàng mì ăn liền bị thị trường châu Âu (EU) trả về, cảnh báo vượt ngưỡng ethylene oxide (EO), chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần sớm quy định ngưỡng giới hạn chất này…
Theo đó, thời gian vừa qua, một số sản phẩm của Việt Nam bị cảnh báo về dư lượng EO khi xuất khẩu vào thị trường EU. Đây chủ yếu là những loại sản phẩm có nhiều cấu phần như: mì khô, gói gia vị, gói rau... dẫn tới, mì ăn liền nhập khẩu từ Việt Nam là mặt hàng bị Ủy ban châu Âu bổ sung vào danh mục kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Một số sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam bị cảnh báo về dư lượng EO khi xuất khẩu vào thị trường EU - Ảnh minh họa
Thực tế, theo thống kê, tính từ tháng 01/2022 - 21/7/2022, trên hệ thống cảnh báo về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU đã phát đi 2.531 cảnh báo, riêng đối với thị trường Việt Nam có 50 cảnh báo tính từ tháng 01/2022 - 21/7/2022 liên quan đến các mặt hàng thực phẩm, nông sản xuất khẩu vào thị trường EU. Trong các cảnh báo này, có 3 cảnh báo từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 7/2022 liên quan đến sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam xuất khẩu sang EU trong đó có một sản phẩm có hàm lượng EO vượt ngưỡng quy định của EU.
Mới đây nhất, Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Đức, Ba Lan, Malta vừa gửi cảnh báo đối với các sản phẩm mì ăn liền, bánh phở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm của EU.
Cụ thể, Đức cảnh báo sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri của Công ty CP Thực phẩm Á Châu (tỉnh Bình Dương) bị phát hiện dư lượng EO vượt ngưỡng quy định của EU;
Ba Lan cảnh báo sản phẩm mì ăn liền vị gà của Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh) và nước này đã trả lại lô hàng; Cùng với đó, Malta cảnh báo sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia và xác định mối nguy là sản xuất từ gạo biến đổi gene trái phép nên đã thực hiện biện pháp giám sát cũng như thu hồi sản phẩm.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam nhận cảnh báo tương tự ở thị trường EU, trước đó, tháng 8/2021, một số lô hàng của các doanh nghiệp như: Acecook Việt Nam, Công ty CP thực phẩm Thiên Hương... cũng từng bị EU cảnh báo về dư lượng EO trong sản phẩm.
Từ đó, theo các chuyên gia, cần quy định ngưỡng giới hạn EO trong thực phẩm - Ảnh minh họa
Từ đó, để thực phẩm xuất khẩu Việt Nam không rơi vào cảnh tương tự, bị EU cảnh báo hay trả lại, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến thương hiệu hàng hóa Việt Nam, chuyên gia khuyến cáo, các đơn vị cần lưu ý nắm chắc và tuân thủ nghiêm túc những quy định của thị trường nhập khẩu, bởi mỗi quốc gia quy định về hàm lượng EO khác nhau. Ví dụ: Mỹ, Canada với các sản phẩm thảo mộc, rau củ khô, hạt vừng... quy định tối đa là 7mg/kg, riêng EU quy định chỉ tiêu này rất thấp, từ 0,02 - 0,2mg/kg.
Đồng thời, cũng khuyến cáo, các cơ quan quản lý Việt Nam cần sớm nghiên cứu, đề xuất đưa ngưỡng giới hạn EO cho phép vào quy định pháp luật trong lĩnh vực An toàn thực phẩm.
Thông tin với báo chí về chất EO, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Trường đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, EO là chất không dùng trong thực phẩm bởi đây không phải là chất phụ gia. Các nhà sản xuất thường sử dụng chất EO trong khử trùng sản phẩm.
“EO có tác dụng khử trùng rất tốt, thường để diệt các loại vi khuẩn gây ẩm mốc và khử trùng triệt để các dụng cụ y tế. Tuy nhiên, trong quá trình khử trùng sẽ có thể còn tồn dư lại một lượng EO”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ.
Theo vị chuyên gia này, chất EO là chất độc và có ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng hiện nay các nhà khoa học chưa có nghiên cứu hàm lượng EO bao nhiêu thì ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhưng theo các nhà y học, nếu chất EO tích lũy dần trong cơ thể con người, tùy theo từng thể trạng (người già, người trẻ, phụ nữ...) sẽ gây ảnh hưởng đến gan, thận...
“Nhìn chung, mọi chất độc khi vào cơ thể đều ảnh hưởng đến sức khỏe ở mức độ nào đó. Vì vậy, nhiều nước trên thế giới có quy định khá chặt chẽ về chất EO trong sản phẩm, tuy nhiên, nhiều nước mức cho phép rất thấp, nhiều nước lại không cấm”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, vài năm gần đây Việt Nam đã từng bị thu hồi các sản phẩm liên quan đến chất EO, vấn đề này cũng từng gây hoang mang trong dư luận. Vì vậy, Việt Nam cũng nên nghiên cứu để đưa ra những kiểm soát nhất định.
Đồng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, PSG.TS Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cũng cho rằng, với các loại chất độc, chất có ảnh hưởng đến sức khỏe thì nên có quy định về kiểm soát định lượng để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
“Trên thế giới họ đã làm và Việt Nam cũng nên làm như vậy”, PSG.TS Trần Đáng bày tỏ.
Mới đây, thông tin với báo chí xoay quanh về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu và xây dựng quy định ngưỡng giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm.