A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Á lại gây ‘chấn động” về giá kit test

Câu chuyện về giá kit test của CTCP Công nghệ Việt Á lại tiếp tục gây “chấn động”, khi công ty này nhập khẩu từ Trung Quốc với giá khai báo 0,955 USD/test (khoảng 21.560 đồng/test).

Chiều 20/1, Tổng cục Hải quan đã có báo cáo về hoạt động xuất nhập khẩu kit xét nghiệm COVID-19 của CTCP Công nghệ Việt Á. Theo đó, các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Á trong 5 năm từ 2017-2021, gồm bộ thành phẩm que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên vi-rút SARS-CoV-2. 

Phan Quốc Việt, Giám đốc điều hành Công ty Cổ Phần Công Nghệ Việt Á.

Ông Phan Quốc Việt, Giám đốc điều hành Công ty Cổ Phần Công Nghệ Việt Á.

Trong đó, từ tháng 9 đến tháng 12/2021, Việt Á nhập khẩu 3 triệu test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên vi-rút SARS-CoV-2, thuộc chủng loại NovelCoronavirus 2019-nCoV Antigen Test (Colloidal Gold).

Không có “chống lưng” không thể hoành hành

Đặc biệt, toàn bộ lô hàng nhập khẩu mới 100%, được công ty nhập khẩu từ Trung Quốc là 3 triệu test, giá khai báo 0,955 USD/test (khoảng 21.560 đồng/test), với tổng trị giá là 64,68 tỷ đồng.

Trước đó, sản phẩm kit test nhanh COVID-19 của Việt Á được giới thiệu là sản xuất tại Việt Nam. Chi phí sản xuất bộ kit đã được Bộ Khoa học - Công nghệ tài trợ nên hiện giá chỉ còn 400.000 - 600.000 đồng/bộ...

Bình luận về vấn đề này, ông Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII, XIV cho rằng, dựa trên những thông tin được công bố trên báo chí, chúng ta có thể nhận định những gì xảy ra ở vụ án này là hết sức gây chấn động, không phải là sai sót đơn thuần từ phía doanh nghiệp.

“Vụ việc mới được khởi tố nên sai phạm của Công ty Việt Á còn ở địa phương nào khác ngoài Hải Dương không, đến mức độ nào cần chờ cơ quan điều tra công bố. Nhưng những hành vi của Công ty Việt Á và các quan chức suy thoái là lừa người dân, lừa toàn xã hội”, ông Dương Trung Quốc thẳng thắn.

Vẫn theo ông Dương Trung Quốc, để thu lợi nhuận trong kinh doanh thì không ít doanh nghiệp làm bằng mọi cách để đạt mục tiêu. Tuy nhiên, điều đáng nói là sai phạm dường như đã qua mặt được tất cả chúng ta đến tận bây giờ mới được phát hiện.

Điều khiến ông Dương Trung Quốc quan tâm là việc Công ty Việt Á từng được tuyên dương, tặng thưởng rất nhiều. Vậy các cơ quan trao tặng, tuyên dương đã sàng lọc ra sao? Đây cũng là bài học cảnh giác trong việc thẩm định.

Hậu quả của những vụ việc như trên thì chưa cần người có chuyên môn cũng nhận thấy là rất nghiêm trọng. Nếu phân tích kỹ trên góc độ hình sự, khoa học thì mới thấy hết nguy hiểm của vụ án”, ông Quốc nói.

Còn the ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), nếu không có thế lực chống lưng, Công ty Việt Á không thể hoành hành. Họ đã lợi dụng dịch bệnh, lợi dụng chính sách cho phép rút gọn vấn đề đấu thầu, chỉ định thầu của Nhà nước để nâng giá kit test COVID -19 để trục lợi, thu lợi nhuận khủng, rồi móc nối, chia % hoa hồng cho lãnh đạo CDC, đơn vị y tế.

“Trong khi các nhân viên y tế gồng mình chống dịch vất vả, thu nhập rất thấp thì một số lãnh đạo lại nhận những khoản tiền đến cả vài chục tỷ đồng. Hành vi phi pháp như vậy cần phải xử lý nghiêm minh”, đại biểu Hòa bày tỏ.

Từ đó, đại biểu Hòa đề nghị phải làm rõ “thế lực nào đã chống lưng” cho Công ty Việt Á tham gia đấu thầu, cung cấp kit test COVID-19 với “giá trên trời”. Ngoài công ty này cần làm rõ trách nhiệm của các địa phương, bộ, ngành Trung ương có liên quan, trong đó có Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ, Học viện Quân y.

Cần phải làm rõ việc tổ chức đầu thầu đúng quy định chưa? Có “lợi ích nhóm” hay không? Quan trọng là làm rõ Công ty Việt Á trích % hoa hồng sau khi trúng thầu cho anh A, chị B nào như trường hợp Giám đốc CDC Hải Dương hay không?

Đã có nhiều câu hỏi nhưng lại bị lãng quên

Trước đó, theo thông báo của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), kit test COVID-19 đầu tiên của Việt Nam là do Bộ KH&CN giao cho Học viện Quân y và Việt Á phối hợp “nghiên cứu và sản xuất”, kết quả đã được thông qua vào 3/3/2020.

Kit test COVID -19 của Công ty Việt Á.

Kit test COVID -19 của Công ty Việt Á.

Đúng một tháng sau, bộ kit test này được Bộ Y tế cấp phép. Cũng theo Bộ KH&CN (hiện đã gỡ thông tin khỏi trang web của Bộ KH&CN), WHO đã chấp thuận và Anh đặt mua độc quyền; khoảng 20 nước đặt mua và nhiều tổ chức quốc tế quan tâm.

Thời điểm đó, cả nước vui mừng vì lần đầu tiên một sản phẩm “made in Việt Nam” ra đời giữa lúc dịch COVID-19 đang hoành hành dữ dội ở Trung Quốc. Việc Việt Nam chế tạo thành công bộ kit test này sẽ giúp lực lượng y tế phòng ngừa từ xa chủng virus này nếu chẳng may xâm nhập vào Việt Nam và tự hào hơn cả là do người Việt lần đầu tiên sản xuất và còn xuất khẩu sang nước ngoài.

Tuy nhiên, đã có không ít nhà khoa học đã đặt ra câu hỏi, ngày 23/1/2020, Việt Nam mới có ca nhiễm virus SAR-CoV-2 đầu tiên, mà đến 3/3/2020 đã “nghiên cứu và sản xuất thành công” thì nghiên cứu vào lúc nào mà kit test lại chuẩn với virus này? Nhưng, đáng tiếc câu hỏi đó đã bị nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Về phần mình, Phan Quốc Việt, Giám đốc điều hành Công ty Cổ Phần Công Nghệ Việt Á từng nhấn mạnh với báo chí là không cổ xúy cho việc một số doanh nghiệp lợi dụng tinh thần người Việt dùng hàng Việt để đẩy giá sản phẩm lên cao.

Tinh thần cao cả đó đã nhận được sự cảm kích, ngưỡng mộ của nhiều người và cả truyền thông: “Quan điểm của tôi là người Việt dùng hàng tốt, giá tốt. Doanh nghiệp sản xuất trong nước phục vụ cho chính người dân của mình. Vậy tại sao phải tăng giá lên cắt cổ người dân mình”.

Nhưng đến ngày 19/12/2021, khi Phan Quốc Việt cùng Giám đốc CDC Phạm Duy Tuyến và một loạt bộ sậu bị khởi tố và bắt tạm giam thì Phan Quốc Việt đã lộ nguyên hình là kẻ ăn tiền trên xương máu của chính đồng bào mình.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết