Thu nhập 15 triệu đồng/tháng không phải đóng thuế?
Sau nhiều lần nâng lên đặt xuống, dư luận và báo chí phản ánh gay gắt, Bộ Tài chính vừa xin ý kiến các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp… đối với dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của Luật thuế Thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, mức điều chỉnh này chưa thỏa đáng, cần bám sát mức lương cơ sở để điều chỉnh cho phù hợp.
Thu nhập 15 triệu đồng/tháng không phải đóng thuế
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) của thuế thu nhập cá nhân với mức tăng từ 9 triệu đồng hiện nay lên 11 triệu đồng/tháng và mức áp dụng cho người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng cũng tăng lên 4,4 triệu đồng/tháng.
Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính, mức GTGC được căn cứ theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi.
Theo đó, khi chỉ số giá tiêu dung (CPI) biến động 20% so với thời điểm luật có hiệu lực hoặc thời điểm áp dụng mức GTGC gần nhất, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức GTGC phù hợp với biến động giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Cụ thể, việc Bộ Tài chính đề xuất nâng mức GTGC thêm 2 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và thêm 800.000 đồng/tháng cho người phụ thuộc là dựa trên mức tăng tương ứng với mức biến động của CPI (chỉ số giá tiêu dùng). CPI cuối tháng 12/2019 so với thời điểm 1/7/2013 là 123%, tăng 23,2%.
Do đó, mức GTGC cho người nộp thuế hiện là 9 triệu đồng x mức biến động giá 123% = 11,088 triệu đồng, làm tròn là 11 triệu đồng. Còn mức GTGC cho người phụ thuộc hiện 3,6 triệu đồng x biến động giá 123% = 4,4352 triệu đồng, làm tròn là 4,4 triệu đồng.
"Sau khi lấy ý kiến góp ý rộng rãi của người dân, tổ chức..., Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định. Nếu kiến nghị được chấp thuận sẽ áp dụng mức GTGC mới cho kỳ tính thuế của năm nay", ông Thi cho biết.
Theo giải trình từ Bộ Tài chính, việc điều chỉnh nâng mức GTGC sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với năm 2013.
Theo Bộ Tài chính, với quy định hiện hành, người có thu nhập đến 15 triệu đồng/tháng (có 1 người phụ thuộc) phải nộp thuế ở mức 120.000 đồng/tháng thì theo quy định mới sẽ không phải nộp thuế.
Thu nhập đến 20 triệu đồng/tháng (có 1 người phụ thuộc) hiện nộp thuế 490.000 đồng/tháng (tương đương 2,5% thu nhập) thì theo mức GTGC mới sẽ nộp 230.000 đồng/tháng, tương đương giảm 260.000 đồng tiền thuế mỗi tháng (giảm hơn 48% số thuế phải nộp so với hiện hành)...
Đánh giá tác động của việc điều chỉnh tăng mức GTGC lên ngân sách, Bộ Tài chính cũng cho biết, ngân sách sẽ giảm thu hơn 10.000 tỷ đồng/năm.
Mức 11 triệu chưa đi sát thực tế
Thực tế cho thấy, khi điều chỉnh tăng mức GTGC từ năm 2013, số thu từ sắc thuế này lại tăng liên tục sau đó rất nhanh. Báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy, số thu về thuế TNCN luôn tăng qua từng năm.
Cụ thể, nếu xét về số thu tuyệt đối, năm 2016 số thu từ thuế này đạt 49.152 tỷ đồng. Đến hết năm 2019 ước đạt 79.219 tỷ đồng, tăng thêm hơn 30.000 tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 61%. Đồng thời, tổng số người thuộc diện nộp thuế TNCN từ hơn 4,38 triệu người vào năm 2016 đến hết 2019 là 6,8 triệu người.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico cho rằng, việc quy định mức tăng lạm phát trên 20% mới thay đổi mức GTGC là chưa hợp lý. Bởi luật chỉ thu thuế sau khi đảm bảo đời sống cho người dân thì mỗi năm khi CPI tăng dù chỉ 2 - 3% thì thuế phải thay đổi theo mà không cần đợi đến mức lên 20%.
Đặc biệt, theo Luật sư Đức, thuế suất thuế TNCN chia làm 7 bậc, từ 5% đến 35% là rất dày và cao so với nhiều nước trong khu vực như Singapore, Malaysia... Do đó, cần sửa lại các mức này, giảm thuế suất, gia tăng mức GTGC để nuôi dưỡng nguồn thu, tránh vắt kiệt sức của người nộp.
Theo Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, mức điều chỉnh này chưa thỏa đáng và mang tính đối phó. Năm 2012, khi sửa đổi luật Thuế TNCN để tăng mức GTGC từ 4 triệu đồng (áp dụng từ năm 2009) lên 9 triệu đồng (từ 1/7/2013), ban soạn thảo đưa ra cơ sở là dựa trên tham chiếu các chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người, mức thu nhập, chi tiêu trung bình của xã hội và tiền lương tối thiểu.
Tờ trình thời điểm đó phân tích khá chi tiết tại sao lại tăng lên mức này, trong đó có chi tiết mức giảm trừ 9 triệu đồng/tháng tương đương 2,5 lần mức thu nhập bình quân đầu người năm 2014, đảm bảo cao hơn mức thu nhập bình quân đầu người vào thời điểm năm 2014 và các năm sau.
Tính đến hết 2019, Tổng cục Thống kê công bố GDP bình quân đầu người đạt gần 2.600 USD/năm và nếu theo cách tính GDP mới thì thu nhập này đạt khoảng 3.000 USD/năm (tương đương khoảng 5,8 triệu đồng/tháng). Do vậy, theo Luật sư Trần Xoa, nếu mức GTGC cho người nộp thuế tương đương 2,5 lần mức GDP thì sẽ phải tăng lên tương ứng khoảng 14,5 triệu đồng/tháng là tối thiểu.
Đó là chưa kể dù CPI tăng hơn 23% nhưng vẫn chưa thống kê một cách đầy đủ các mặt hàng, chưa phản ánh đầy đủ cuộc sống hằng ngày của người dân.
“Ban soạn thảo nghị quyết của Thường vụ Quốc hội thể tăng gấp đôi mức GTGC so với hiện nay lên 18 triệu đồng đối với người nộp thuế và 7,2 triệu đồng đối với người phụ thuộc mỗi tháng. Đồng thời, cần bỏ bớt bậc và giãn các bậc thuế TNCN hiện nay cũng như nên quy định mức GTGC tương ứng theo mức lương cơ sở để dễ thực hiện, không cần phải thay đổi chỉnh sửa”, ông Trần Xoa đề xuất.
Theo dữ liệu ngành Thuế, năm 2019, số lượng người nộp thuế TNCN từ tiền lương, tiền công đạt khoảng 6,9 triệu người với tổng số thu NSNN đạt trên 79.219 tỷ đồng. Nếu áp dụng mức giảm trừ theo mức dự kiến là 11 triệu đồng/tháng cho bản thân người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc thì một phần lớn số người nộp thuế ở bậc 1 sẽ chuyển sang diện không phải nộp thuế.
Tương tự những người nộp thuế ở các bậc thuế còn lại đều được giảm số thuế phải nộp, qua đó dự kiến giảm thu NSNN xuống còn khoảng 68.921 tỷ đồng.
Như vậy với đề xuất nâng mức GTGC nêu trên thì số thuế TNCN thu được trong 1 năm giảm khoảng 10.300 tỷ đồng (tương đương giảm khoảng 13% số thu ngân sách từ thuế TNCN năm 2019).