A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thông qua Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 01 tháng và trong 01 năm của người lao động

Chiều ngày 23/3, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt nhất trí thông qua Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 01 tháng và trong 01 năm của người lao động. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2022, riêng quy định về số giờ làm thêm trong một năm có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Phát biểu Kết luận nội dung dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời giờ làm thêm trong 01 tháng và trong 01 năm của người lao động, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự thảo Nghị quyết. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh Ủy ban Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan tham gia quá trình tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, trong một thời gian ngắn đã tổ chức nghiên cứu và phối hợp rất chặt chẽ, hiệu quả.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, qua thảo luận, ý kiến của các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn giao Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật và các cơ quan có liên quan rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình ký chứng thực; trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

Cho ý kiến về nội dung thời giờ làm thêm trong 01 tháng và trong 01 năm của người lao động, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, xã hội... nên cần có cái nhìn toàn diện và để giải quyết hài hòa lợi ích của các bên thì cần có quyết sách tổng hợp.

Việc tăng giờ làm việc là bài toán tổng hòa cần được nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên nhiều yếu tố. Một quyết sách liên quan không chỉ là vấn đề lao động, vấn đề sản xuất, việc làm, sức khỏe của người dân mà còn là vấn đề chính trị, vấn đề xã hội và nhiều vấn đề khác nữa.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc tăng giờ làm thêm của người lao động phải được xem xét dựa trên phản ứng của dư luận xã hội, người lao động như thế nào, nhu cầu thực tế của doanh nghiệp ra sao. Đặc biệt, cần được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng dựa trên sức khỏe của người lao động khi bị mắc COVID-19, ảnh hưởng của hậu COVID-19 cũng như tỷ lệ tái nhiễm bệnh ra sao.

Kết thúc Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động với tỷ lệ 100% ý kiến tán thành.

Khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành, người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động, được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng. Ngoài ra, không áp dụng quy định này đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 của Bộ luật Lao động.

Các trường hợp là người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi được loại trừ với quy định này.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan