Tăng học phí, giảm niềm tin
Người dân đang có ý kiến để Quốc hội, các cấp lãnh đạo lắng nghe, cân nhắc, cầm cân nảy mực rồi mới ra quyết định về việc tăng học phí các cấp học.
Dân ta có truyền thống quý báu, tốt đẹp đó là sự hiếu học. Lịch sử hàng ngàn năm thời phong kiến đã cho thấy con đường để thoát cảnh “chân lấm, tay bùn”, “mở mày, mở mặt” với đời là học giỏi, thi đỗ, làm quan để bản thân được vẻ vang, gia đình được đủ đầy.
Có điều nền giáo dục phong kiến nặng về văn sách, thi ca... tập trung vào bảo vệ quyền lợi tối thượng cho nhà Vua, tính trung quân được đặt lên hàng đầu; ít coi trọng tính thực dụng, ứng dụng của khoa học tự nhiên, phát minh, sáng chế, khoa học. Thói quen ấy kéo dài đến tận bây giờ.
Phải thừa nhận nền giáo dục của các nước tiên tiến, phát triển, chương trình học rất phù hợp, phát hiện, phát huy được năng lực cá nhân rất nhiều, cần phải học tập. Họ không nặng nề về giấy khen, bằng khen mà giáo dục giúp cho trẻ định hướng, khám phá được thế mạnh, đam mê của chính bản thân mình.
Tăng học phí ở thời điểm này sẽ tạo gánh nặng cho phần lớn các bậc phụ huynh.
Thế hệ chúng tôi thập niên 80, 90 việc đi học, học kém bị “đúp” là chuyện bình thường. Thầy cô cực kỳ nghiêm khắc mà không học sinh nào oán thán thầy cô bao giờ. Cả lớp may ra có hai, ba học sinh được danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi có rất ít.
Chẳng như bây giờ cả lớp phổ cập học sinh giỏi, học sinh học yếu được o bế, cho bằng lên lớp thì thôi, để không hưởng đến thành tích của thầy cô, nhà trường. Danh hiệu giỏi mà thực tế vẫn có học sinh chưa thực sự giỏi, niềm tin vào chất lượng giáo dục, truyền thống “tôn sư trọng đạo” đã phần nào bị kinh tế thị trường làm cho phai nhạt.
Muốn biết chất lượng giáo dục của chúng ta như thế nào, hãy để các công ty, tập đoàn nước ngoài đánh giá. Phần lớn các tập đoàn nước ngoài họ tuyển dụng sau đó phải đào tạo lại cho nhân viên bản địa toàn bộ. Chuyên gia của họ không hề thông minh hơn nhân viên người Việt nhưng làm việc quy củ, bài bản, kĩ năng cứng, mềm thuyết trình, vẽ, diễn đạt ý tưởng… đều hơn hẳn. Trong khi ở tam nhiều ứng viên có thể dễ dàng giải quyết bài thi đầu vào lại ấp úng, ngại ngùng khi trả lời phỏng vấn, hay ngượng ngập khi cầm bút chỉ laser hay bút để viết, vẽ, trình bày ý kiến của mình.
Chất lượng giáo dục thì như vậy mà bây giờ lại in mới sách giáo khoa, bán giá đắt, tăng học phí các cấp học. Không hiểu sao lại tăng giá trong khi niềm tin vào chất lượng giáo dục đang suy giảm?
Bác Hồ từng dạy “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra”, được tự do trình bày ý kiến, suy nghĩ của mình. Vậy thì dân đang có ý kiến để Quốc hội, các cấp lãnh đạo lắng nghe, cân nhắc, cầm cân nảy mực rồi mới ra quyết định về việc tăng học phí các cấp học.
Giá sách giáo khoa nhận được sự quan tâm của dư luận khi cao gấp 2-3 lần so với bộ cũ. Ảnh: NXB Giáo dục Việt Nam.
Hiện nay công nghệ tiến bộ vượt bậc sao không ứng dụng mà lại vẫn in mới sách giáo khoa, tăng học phí. Kinh tế phát triển phải ưu tiên cho giáo dục, sao không sử dụng tối đa công nghệ thông tin cho học sinh. Nơi làm việc nào bây giờ chả cần đến kĩ năng sử dụng thành thạo máy tính, ngay từ bé hãy cho đi học với máy tính, Ipad… nếu trẻ ở thành phố. Dành ưu tiên ưu đãi cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa điều kiện kinh tế còn khó khăn, cho các gia đình công nhân, viên chức sống với đồng lương thấp, có mong muốn cho con em theo học. Vì với họ con đường để thoát nghèo khi không vốn, không kinh nghiệm, quan hệ, bản lĩnh... để làm ăn chỉ còn cách cho con cái đi học cho tương lai.
Các doanh nghiệp, tập đoàn bằng sức mạnh tài chính của mình, hãy tạo giải thưởng, học bổng để tìm kiếm nhân tài. Kèm theo điều kiện ràng buộc phải phục vụ cho doanh nghiệp, tập đoàn sau khi tốt nghiệp.
Đổi mới từ đâu xa, hãy đổi mới bằng cách “quên lợi ích kinh tế đi” làm giáo dục với tâm trong sáng.
Miễn học phí, trẻ em được chăm sóc, bảo vệ, toàn diện hơn đó mới là mục tiêu phấn đấu của xã hội văn minh. Thay vì không cần để ý đến thời điểm vừa sau đại dịch, kinh tế cần được phục hồi, thì khoản lo cho con cái học hành, trở thành mối lo hằn sâu thêm nếp nhăn của nhiều gia đình.
Nếu cứ tăng học phí với tốc độ hiện nay, khi giá xăng tăng, chỉ số tiêu dùng CPI tăng, rất có thể có trẻ em có nguy cơ phải rời bỏ mái trường. Khoảng cách phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn sẽ có lớp trẻ thất học, có thể trở thành “vô sản lưu manh” gây nguy hại cho xã hội. Mục tiêu xây dựng chế độ xã hội, công bằng, dân chủ và văn minh của Nhà nước và Nhân dân bị ảnh hưởng.
Học phí tăng có đi kèm chất lượng giáo dục, đời sống giáo viên đứng lớp tăng theo. Ai đảm bảo khi tăng như vậy học sinh ra trường sẽ có việc làm, thu nhập tương xứng với số tiền bỏ ra “mua con chữ”. Mong sao các cấp lãnh đạo lắng nghe ý kiến từ nhân dân, từ những người lao động, để xem xét, cân nhắc trước khi ra quyết định sao cho hợp “ý Đảng, lòng dân”.