Sở hữu 6 thói quen này, dù kiếm bao nhiêu tiền cuối cùng vẫn sẽ “nghèo bền vững”: Nếu ai không có thì xin chúc mừng
Hầu hết mọi người đều mắc phải 6 thói quen tiêu dùng sai lầm này khiến chi tiêu vượt ngưỡng thu nhập và mãi không khá lên nổi.
Trong cuộc sống, ai cũng mong muốn đầu tư, tiết kiệm sinh lời và trở nên giàu có, nhưng nhiều người bước sang độ tuổi 30 vẫn không dành dụm được đồng nào thậm chí còn vướng vào nợ nần. Điều này hầu hết đều đến từ thói quen tiêu dùng sai lầm của nhiều người, chi tiêu vượt ngưỡng thu nhập, thu nhập thấp nhưng ham muốn vật chất cao.
Dưới đây là 6 tâm lý tiêu dùng sai lầm nhiều người mắc phải:
Thói quen 1: Tâm lý "tiết kiệm tiền là tự làm khổ mình"
Nhiều người thường ghen tị với cuộc sống hào nhoáng của người khác và cố gắng để đạt được những điều tương tự. Họ mạnh tay chi tiền cho việc hưởng thụ như một thành quả cho bản thân sau quá trình nỗ lực làm việc. Số tiền sau khi nhận lương được dùng để mua mỹ phẩm, quần áo hàng hiệu, ăn uống trong nhà hàng sang trọng và đi du lịch nhiều nơi...
Cho đến một ngày, họ phát hiện ra tiền đã biến thành quá nhiều thỏi son không dùng đến, quá nhiều quần áo treo trong tủ mới chỉ mặc qua một lần và những thứ đồ ăn vặt không tốt cho cơ thể...
Tưởng chừng như chúng ta đang sống một cuộc sống tốt đẹp, nhưng cuối cùng nó chỉ khiến cho túi tiền rỗng đi nhưng không giúp tăng trưởng chút giá trị nào.
Thói quen 2: Tâm lý "tiết kiệm ít thì chẳng để làm gì"
Đây là tâm lý của đại đa số, nếu trước đây không mua được nhà, hiện tại không mua được nhà, liệu sau này có thể mua được nhà không? Với tâm lý này, họ cho rằng tiết kiệm số tiền nhỏ cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì, vẫn không biết đến bao giờ mới mua nổi một căn nhà với đồng lương ít ỏi.
Thực tế, tất cả số tiền lớn đều phải bắt đầu từ số tiền nhỏ. Năng nhặt chặt bị, chỉ bằng cách tiết kiệm số tiền nhỏ chúng ta mới có thể có được vốn liếng ban đầu. Khi tích lũy được số tiền nhất định và tìm được phương thức đầu tư phù hợp, số tiền sẽ từ đó mà tăng lên đáng kể.
Thói quen 3: Chi tiêu tăng theo hệ số nhân với thu nhập
Trong tâm lý của nhiều người, khi tiền lương tăng lên đi đôi với chất lượng cuộc sống phải tăng lên tương xứng, chi phí bữa ăn tăng từ 500.000 lên 1.000.000 đồng một bữa; nhiều chuyến du lịch hưởng thụ hơn, các sản phẩm trang điểm và chăm sóc da chuyển sang những thương hiệu lớn hơn và đắt tiền hơn.
Cuối cùng, mặc dù thu nhập tăng vẫn không tiết kiệm được nhiều hơn, gánh nặng cuộc sống còn lớn hơn.
Thói quen 4: Không có thói quen lập ngân sách và tiêu tiền tùy hứng
Những người "nghèo" luôn có tư tưởng họ đã chi tiền cho những thứ cần phải chi, nên việc lập ngân sách là tốn thời gian và vô nghĩa. Đặc điểm của "sự nghèo" là tiết kiệm số tiền còn lại sau khi đã chi tiêu.
Tuy nhiên, cách tiết kiệm tiền đúng đắn nhất là khấu trừ số tiền bạn muốn tiết kiệm trước, sau đó mới tiêu phần còn lại. Đặt mục tiêu và tự động khấu trừ tiền có thể cải thiện cảm giác rò rỉ tiền và giảm mức tiêu dùng không kiểm soát.
Thói quen 5: Luôn tìm lý do để tiêu tiền
Để mua một thứ gì đó, họ sẽ tìm ra nhiều lý do khác nhau để thuyết phục bản thân. Ví dụ, nếu mua một món đồ đắt tiền, họ sẽ chia thành 365 ngày, như vậy mỗi ngày chi phí bỏ ra cho món đồ đó là rất rẻ, nhưng thực tế là chúng ta sẽ không sử dụng món đồ đó hàng ngày.
Nhiều người bao biện rằng chỉ có tiêu dùng mới có động lực kiếm tiền, tuy nhiên điều này chỉ đúng với những người biết kiềm chế và biết lập kế hoạch chi tiêu. Nhìn chung, những người không có kế hoạch rất dễ bị thao túng trước những món đồ hấp dẫn và dễ có tâm lý muốn mua mọi thứ, kể cả những món đồ không bao giờ dùng đến.
Thói quen 6: Tin rằng tiêu tiền có thể giúp bản thân tốt hơn
Một số người vì muốn có thói quen uống nước mỗi ngày để tốt cho sức khỏe nên lên mạng tìm mua một chiếc cốc thật đẹp và đắt tiền. Muốn tập yoga để có thân hình như một minh tinh màn ảnh bạc, trước tiên phải sắm một tấm thảm tập yoga và quần áo tập yoga cao cấp trước khi bắt đầu tập luyện.
Nhìn thấy bạn bè, đồng nghiệp và những người nổi tiếng mang theo một chiếc túi xách cổ điển hoặc một chiếc túi xách phổ biến nào đó cũng muốn bản thân sắm được một chiếc túi xách. Đối với họ, việc mang một chiếc túi xách sẽ khiến họ trông "sang" hơn và có động lực để kiếm nhiều tiền hơn.
Tất nhiên tiết kiệm không có nghĩa là hà tiện hay sống cơ cực thiếu thốn, bạn nên loại bỏ những thói quen xấu vào những thứ vô bổ và tránh chi tiêu quá mức trong cuộc sống hàng ngày, nếu không sớm muộn bạn cũng rỗng ví vô ích mà thôi.