A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phụ huynh “quay mòng mòng” khi sáng con học trực tiếp, chiều học trực tuyến

Nhìn con hồ hởi chuẩn bị quần áo, sắp xếp sách vở ngăn nắp, ngắm nghía đồng phục để chuẩn bị đến trường, nhiều phụ huynh mừng theo, nhưng kèm theo đó là nhiều nỗi trăn trở.

“Đừng nửa nạc nửa mỡ”

Đồng hồ điểm 11h, chị Trịnh Mai Huyền (Hoàng Mai, Hà Nội) xin nghỉ làm sớm, vội vã rời công ty đến trường đón con gái lớp 8. Đến cổng trường đúng lúc học sinh tan học, chị luống cuống nhìn chung quanh, cố tìm con gái một cách nhanh nhất để kịp giờ đi làm.

“Hiện nay, học sinh lớp 7 - 12 tại các địa bàn có cấp độ dịch 1,2 trên toàn thành phố Hà Nội đã học trực tiếp sau 9 tháng nghỉ dịch. Tuy nhiên, theo thông báo, học sinh chỉ học 1 buổi trực tiếp, các trường không tổ chức bán trú, không mở căng tin. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến lịch trình của phụ huynh và học sinh.

Hơn nữa, đón con về phải lo cho con ăn uống để kịp giờ học buổi chiều. Thật không hiểu nổi tại sao lại yêu cầu sáng học trực tiếp, chiều học trực tuyến. Không những học sinh mệt mỏi mà phụ huynh cũng đổ gục vì chạy theo lịch học của con” - chị Huyền bức xúc.

Gia đình anh Lê Đình Hoàng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng không ngoại lệ, dù vợ chồng đã sắp xếp thời gian đưa đón 2 con học lớp 7 và lớp 11 đến trường nhưng vẫn xảy ra tình trạng “loạn cào cào”.

Một cháu học lớp 11 ở quận Cầu Giấy, một cháu học lớp 7 ở quận Tây Hồ, buổi sáng vợ chồng chị phải dậy sớm chuẩn bị đồ ăn sáng, đồ ăn trưa rồi chia nhau đưa con đến trường trong tâm thế vội vã. Đến trưa, tranh thủ thời gian nghỉ, vợ chồng lại chạy từ công ty đi đón con về, ăn uống xong đã hơn 13h, không kịp nghỉ ngơi, vợ chồng luống cuống đi làm, các con vội vã ngồi vào bàn học online.

“Mấy ngày nay, cả nhà quay mòng mòng vì lịch học mới của các con. Nhiều phụ huynh cũng phàn nàn với nhau về điều này. Chúng tôi kiến nghị một là học trực tiếp cả ngày, nhà trường tổ chức bán trú như trước, hai là tổ chức học online” – anh Hoàng nêu ý kiến.

Lý do sáng học trực tiếp, chiều học trực tuyến

Chia sẻ về vấn đề trên, cô Mai Thị Ánh Nguyệt – giáo viên Trường THCS Nguyễn Công Trứ (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, hiện tại tất cả các trường chỉ học một buổi, chưa tổ chức bán trú.

Theo lịch, một ngày có 5 tiết học, một tuần có tổng cộng 35 tiết. Vì vậy, sẽ có những môn học không đủ thời lượng học trực tiếp, buộc học sinh phải học vào buổi chiều. Bên cạnh đó, những học sinh đủ điều kiện sẽ đến trường vào buổi sáng, những học sinh thuộc diện F1, F0 và những trường hợp bất khả kháng sẽ học online vào buổi chiều.

“Theo tôi, khoảng 1-2 tuần sau khi học sinh quay trở lại trường học, việc học đi vào ổn định thì mới có thêm giải pháp phù hợp để khắc phục các bất cập hiện nay. Bởi việc quan trọng nhất trong những ngày đầu trở lại trường là bảo đảm an toàn cho học sinh, sau đó mới đến thuận tiện” – cô Ánh Nguyệt nói.

Cô Trần Mai Hương - Hiệu Trưởng Trường THCS Thanh Liệt (Thanh Trì) cũng cho biết, khi nhận được công văn hướng dẫn của các cấp về việc tổ chức cho học sinh đi học trở lại, nhà trường đã kịp thời điều chỉnh kế hoạch dạy học, bảo đảm chuyển trạng thái từ học trực tuyến sang trực tiếp phù hợp nhất.

Theo đó, nhà trường chỉ đạo giáo viên rà soát toàn bộ kiến thức trọng tâm để nắm rõ lực học của học sinh trong thời gian học trực tuyến, từ đó, nhà trường sẽ có kế hoạch củng cố và ôn tập.

“Theo chỉ đạo của Sở GDĐT Hà Nội, nhà trường chỉ tổ chức học một buổi. Ngoài ra, nhà trường cũng có những giáo viên dạy tăng cường, dạy bù cho học sinh vào những giờ trực tuyến buổi chiều. Đó là nhà trường tổ chức ôn tập miễn phí cho học sinh. Nếu lớp có nhiều học sinh yếu kém hoặc lớp đội tuyển ôn thi học sinh giỏi sẽ tổ chức ôn tập vào buổi chiều hoàn toàn miễn phí.

Việc tổ chức ôn tập cho học sinh cũng vì học sinh và hoàn toàn miễn phí nên giáo viên chỉ biết cố gắng động viên phụ huynh và học sinh cố gắng thu xếp thời gian học” – cô Hương chia sẻ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan