A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nỗi lo thực phẩm “bẩn”: Trông chờ vào… “đạo đức kinh doanh”

Dù cơ quan quản lý đã nỗ lực kiểm soát nhưng các vụ vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn ra, thậm chí đáng quan ngại khi những vụ ngộ độc xảy ra với số lượng lên tới hàng trăm người…

 

Một cơ sở bán gà thịt đã bốc mùi tại Thái Nguyên bị lực lượng chức năng phát hiện

Một cơ sở bán gà thịt đã bốc mùi tại Thái Nguyên bị lực lượng chức năng phát hiện. Ảnh: QLTT

Theo đó, trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm. Hàng tấn mỡ động vật đã thối rữa vẫn được vận chuyển công khai đi tiêu thụ; thịt gia súc, gia cầm bày bán tràn lan nhưng không rõ nguồn gốc, không kiểm dịch thú y; bánh mứt kẹo, ô mai, hạt dưa đỏ tẩm ướp hoặc nhuộm hóa chất độc hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc...

Và hậu quả của tiêu dùng thực phẩm không an toàn, theo một con số thống kê, chỉ tính trong 8 tháng năm 2022, cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm với 522 người là nạn nhân, đáng chú ý trong đó có 11 người tử vong. Tưởng như đó đã là những con số khiến nhiều người phải sợ hãi bởi tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đã ở mức rất nghiêm trọng.

Thế nhưng những con số ấy vẫn chưa dừng lại, tiếp tục ngày 17/11 mới đây, thông tin về sự việc một trường hợp tử vong, hơn 600 em học sinh Trường ISchool Nha Trang phải cấp cứu nặng do ngộ độc tại bữa ăn bán trú dường như mới thực sự rung lên một hồi chuông báo động về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay.

Lại nói, thời gian qua, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển thực phẩm hôi thối bằng xe khách hoặc xe đông lạnh được tuồn vào các thành phố lớn để tiêu thụ. Qua xác minh điều tra, các cơ quan chức năng còn phát hiện thêm những đường dây chuyên kinh doanh thực phẩm thối thông qua các kho lạnh dự trữ để làm nơi phân phối khắp thị trường.

Về nguyên tắc, đáng lẽ những loại thực phẩm quá hạn, bốc mùi hôi thối phải loại bỏ đi, tuy nhiên, vì lòng tham, người kinh doanh đã dùng đủ các loại hóa chất độc hại để phù phép biến thành những thực phẩm tươi mới nhằm lừa dối khách hàng. Nhiều nhà hàng, quán ăn vô tình hay cố ý cũng đã tiếp tay vào các đường dây mua bán thực phẩm hôi thối, hết hạn này nhằm kiếm thêm lợi nhuận cao khi bán cho thực khách.

Thực phẩm hôi thối, hết hạn đã nguy hiểm lại bị cho các hóa chất vào xử lý để tươi mới thì độ nguy hiểm cho người tiêu dùng càng cao lên gấp nhiều lần. Vì lợi nhuận, họ bất chấp pháp luật lẫn đạo đức kinh doanh, coi thường sức khỏe của cộng đồng để thực hiện các hành vi mua bán loại hàng hóa nguy hiểm này.

Không chỉ kinh doanh các hàng hóa hết hạn, giờ đây, không ít cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm còn có hành vi đưa những chất cấm vào trong quá trình chăn nuôi nhằm thúc đẩy quá trình tăng trưởng. Hậu quả của việc sử dụng tùy tiện các chất hóa học không đúng quy định khiến người sử dụng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu sử dụng thường xuyên. Còn trong khâu giết mổ, ngoài việc không đảm bảo vệ sinh thì một số nơi có hành vi bơm nước, bơm hóa chất để tăng khối lượng nhằm ăn gian cân nặng khi bán, dùng hóa chất để bảo quản thực phẩm cho tươi và lâu bị hỏng hơn…

Có thể nói, một miếng thịt khi đến bàn ăn người tiêu dùng đầy rẫy những nguy hiểm độc hại từ khâu chăn nuôi, giết mổ, bảo quản, chế biến,… Điều này nếu như các cơ quan chức năng không có những biện pháp mạnh mẽ, giải quyết triệt để thì chắc chắn khó mong chờ vào một thị trường thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan