A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghiên cứu tiết lộ người có nguy cơ mắc di chứng lâu dài hậu COVID-19

Người có nguy cơ mắc di chứng lâu dài hậu COVID-19 có thể dự đoán trước được, theo một nghiên cứu mới.

Nghiên cứu được công bố hôm 25.1 trên tạp chí Nature Communications chỉ ra, những người tiếp tục mắc di chứng COVID-19 kéo dài có mức kháng thể nhất định trong máu thấp hơn ngay sau khi nhiễm virus.

Phát hiện có thể giúp các nhà khoa học phát triển một loại xét nghiệm để dự báo người có khả năng mắc di chứng COVID-19 hàng tuần, hàng tháng và thậm chí hàng năm sau khi mắc bệnh.

Di chứng COVID-19 là một tình trạng vẫn chưa được hiểu rõ và không có định nghĩa rõ ràng cũng như không có phương án chẩn đoán hoặc điều trị tiêu chuẩn. Điều này gây bối rối cho các bác sĩ và nhà nghiên cứu trên toàn thế giới kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát.

Không có thống kê chính xác số lượng bệnh nhân COVID-19 mắc chứng này, nhưng ước tính khoảng 1/3 bệnh nhân COVID-19 nói chung có thể gặp các triệu chứng kéo dài trong ít nhất 1 tháng.

Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Onur Boyman thuộc khoa miễn dịch Đại học Bệnh viện Zurich đã bắt đầu nghiên cứu vào đầu năm 2020, trong làn sóng đầu tiên của đại dịch. Nhóm của ông đã theo dõi các bệnh nhân suốt từ giai đoạn lây nhiễm cấp tính, 6 tháng và 1 năm sau đó khi triệu chứng COVID-19 trở nên rõ ràng.

So sánh hơn 500 bệnh nhân COVID-19 - một số người tiếp tục mắc triệu chứng COVID-19 kéo dài trong khi những người khác đã chấm dứt triệu chứng - các nhà khoa học phát hiện những khác biệt nổi trội. Trong đó có cách hệ miễn dịch ở bệnh nhân mắc di chứng phản ứng với virus lúc ban đầu.

Cụ thể, với người mắc di chứng COVID-19, hai globulin miễn dịch, IgM và IgG3, có mức giảm rõ rệt. Đây là những kháng thể mà hệ miễn dịch tạo ra để chống lại lây nhiễm. Trong hệ miễn dịch khỏe mạnh, mức globulin miễn dịch này có xu hướng tăng lên khi đối mặt với lây nhiễm.

Tiến sĩ Boyman cho biết, mức độ kháng thể đó, khi kết hợp với các yếu tố khác, chẳng hạn như tuổi trung niên và tiền sử bệnh hen suyễn, có thể dự đoán khả năng mắc di chứng COVID-19 hiệu quả tới 75%.

Tuy nhiên, nhà khoa học này lưu ý sẽ cần thêm nghiên cứu sâu hơn để kiểm tra liệu các tiêu chí dự báo nêu trên có chính xác ngay từ khi bệnh khởi phát hay không.

Phó Giáo sư Charles Downs, chuyên gia nghiên cứu về di chứng COVID-19 tại Đại học Miami, cho biết theo kinh nghiệm của ông, nhiều bệnh nhân mắc triệu chứng COVID-19 lâu dài có xu hướng bị hen suyễn hoặc một số tiền sử khác về bệnh nền liên quan đến dị ứng, chẳng hạn như sổ mũi mãn tính liên quan đến dị ứng theo mùa.

Nếu được xác nhận trong các nghiên cứu lớn hơn, nghiên cứu này có thể là "một bước tiến quan trọng hướng tới tập trung nguồn lực vào các phòng khám hậu COVID-19 cho bệnh nhân có nhu cầu’’ – theo nhận định của chuyên gia.

Tuy nhiên, nhóm tác giả lưu ý nghiên cứu thực hiện trên bệnh nhân nhiễm bệnh từ tháng 4.2020 đến tháng 8.2021, trước khi biến thể Omicron xuất hiện. Do đó, chưa thể chắc chắn phát hiện mới có áp dụng cho những người mắc biến thể Omicron hay không. Hơn nữa, nghiên cứu đã không tính đến tình trạng tiêm chủng của những người tham gia. Nhiều bệnh nhân mắc di chứng COVID-19 bị bệnh vào đầu năm 2020, trước khi có vaccine.

Với số ca nhiễm vẫn đang tăng cao hiện nay, nhiều người có nguy cơ phát triển triệu chứng COVID-19 lâu dài, do đó cần khẩn trương mở rộng quy mô nghiên cứu để tìm cách ngăn chặn điều này xảy ra.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan