Lệch pha đào tạo nhân lực lĩnh vực cảng biển
Thực tế nguồn lao động trong lĩnh vực vận tải biển, cảng biển vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển cũng như xu hướng ứng dụng công nghệ của ngành.
Chia sẻ tại Ngày hội việc làm đầu tiên ngành logistics trong chuỗi Valoma Confest 2022, TS.Đinh Gia Huy, Trường Đại học GTVT Hồ Chí Minh, ngành vận tải biển, cảng biển tại Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển rất mạnh mẽ.
Nhu cầu lao động trong lĩnh vực Cảng & Logistics trên thế giới đang tăng với tốc độ 10-12%/năm.
Theo đó, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2021 đạt hơn 703 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020 mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam cũng cho thấy, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển 8 tháng đầu năm 2022 ước tính là 495,8 triệu tấn, bật tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021
“Cảng không chỉ là nơi vận chuyển mà còn được sử dụng làm kho hoặc trung tâm phân phối, cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng như dán nhãn, đóng gói,... Do đó, cần phát triển nguồn nhân lực cảng để phù hợp với sự phát triển và đổi mới của hệ thống hậu cần”, TS.Đinh Gia Huy nhấn mạnh.
Tuy nhiên, thực tế nguồn lao động trong lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thị trường lao động cũng như xu hướng phát triển công nghệ của ngành.
Cụ thể, nhu cầu lao động trong lĩnh vực Cảng & Logistics trên thế giới đang tăng với tốc độ 10-12%/năm. Tại Việt Nam - một trong 4 quốc gia của khu vực Đông Nam Á có tiềm năng phát triển cả cơ sở hạ tầng và hệ thống logistics. Đứng thứ 3, chỉ sau Singapore và Thái Lan.
Trong đó, có 34 cảng biển, 296 cảng biển được công bố khai thác với tổng chiều dài khoảng 96km, công suất thông qua khoảng 750 triệu tấn/năm. Hải cảng biển loại đặc biệt là cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu.
Vị chuyên gia ví dụ, riêng Bà Rịa Vũng Tàu gồm 52 dự án, đưa vào khai thác được 26 dự án cảng biển, công suất khoảng 76,5 triệu tấn/năm. Theo khảo sát, số lao động phục vụ cho một cảng biển trên địa bàn tỉnh này dao động từ 200-300 người. Nếu 52 dự án cảng đi vào hoạt động thì nguồn nhân lực chuyên ngành cảng phải cần khoảng 13.000 lao động.
“Như vậy, nhu cầu lao động phù hợp với chuyên ngành cảng là rất lớn. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cảng biển, logistics lao động tại cảng biển, logistisc ở Bà Rịa Vũng Tàu được đào tạo chính quy chỉ khoảng 10%”, chuyên gia nhấn mạnh.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm, đóng góp 2-4% GDP cả nước. Có khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động vận chuyển hàng hóa nội địa và quốc tế.
Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics là trên 200.000 người. Trong khi khả năng đáp ứng về nhu cầu nguồn nhân lực logistics chỉ khoảng 10% nhu cầu của thị trường. Còn nguồn cung cấp lao động cho ngành dịch vụ này mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu cho các doanh nghiệp.
“Nhân lực ngành logistics tại Việt Nam được cho thiếu kiến thức toàn diện, trình độ ICT còn hạn chế, chưa theo kịp tiến độ phát triển của logistics thế giới. Trình độ tiếng Anh nghiệp vụ logistics cũng còn hạn chế, theo kết quả khảo sát VLA (2018) chỉ 29% nhân viên được đánh giá tốt về IT và ngoại ngữ”, TS.Đinh Gia Huy nhấn mạnh.
Khả năng đáp ứng về nhu cầu nguồn nhân lực logistics chỉ khoảng 10% nhu cầu của thị trường.
Đặc biệt, theo vị chuyên gia, các cảng ngày càng được phát triển hiện đại, thay đổi phù hợp với thị trường thương mại thế giới, cùng với sự kết hợp nhiều công nghệ 4.0, container hóa, các hình thức cơ giới hóa xếp dỡ hàng hóa,...Do đó, hồ sơ công việc của nguồn lực cảng cũng đã thay đổi hoàn toàn không chỉ bao gồm các kỹ thuật quản lý và kỹ năng làm việc mới, mà còn phải có cả những kỹ năng về hệ thống truyền thông và công nghệ hiện đại như sử dụng các thiết bị liên lạc vô tuyến và máy tính.
Tăng nhu cầu về nhân viên cảng được đào tạo và giáo dục tốt hơn. Nhân viên cảng sẽ cần những kỹ năng và kiến thức phức tạp hơn nhiều so với những gì họ từng được yêu cầu trong quá khứ.
Tuy nhiên sự đáp ứng của nguồn lao động về chất lượng và số lượng vẫn chưa tương xứng với sự phát triển rất nhanh của cảng biển Việt Nam
Lý do của sự lệch pha này là do các môn học của chuyên ngành cảng và logistics bị bó buộc bởi khung chương trình cần ngành mà nó trực thuộc, bắt buộc sinh viên phải học nhiều môn cơ sở ngành (có thể không liên quan nhiều đến chuyên ngành này) làm cho việc đào tạo chưa đủ sâu và đôi khi lệch trọng tâm.
Nhiều sinh viên đã đạt được tất cả các môn học và ra trường nhưng vẫn thiếu rất nhiều kiến thức căn bản về ngành hay ngoại ngữ. Vẫn còn sự thiếu gắn kết giữa nhà trường, doanh nghiệp, hiệp hội, trung tâm và các viện để thiết kế chương trình đào tạo phù hợp với thực tế
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp logistics Việt Nam thiếu chủ động trong việc tiếp cận thị trường lao động, không có kế hoạch tuyển dụng định kỳ và thường chỉ tuyển khi có nhu cầu, chưa rõ yêu cầu công việc và chưa đặt ra yếu tố chuyên nghiệp đặt lên hàng đầu, không có chế độ lương, thưởng, đãi ngộ phù hợp.
Để giải quyết thành công những thách thức mới, các yêu cầu về năng lực thiết yếu đối với nnguồn nhân lực cảng và logistics, chuyên gia nhấn mạnh cần phải vượt xa những yêu cầu không chỉ trong lĩnh vực hoạt động khai thác cảng, kỹ thuật và quản lý mà phải bao gồm các kỹ năng, kiến thức và khả năng cần thiết trong hoạt động kinh doanh nói chung, lĩnh vực hậu cần và quản lý.