Kiến nghị Thủ tướng gỡ vướng cho 13 dự án giao thông tại TP HCM
Sở GTVT TP HCM chính thức lập danh mục các dự án vướng mắc khó khăn trên địa bàn TP. Trong đó, có 13 dự án với tổng vốn hơn 175.000 tỉ đồng mà TP đang phải chờ Chính phủ gỡ vướng.
Cụ thể, theo Sở GTVT, trong danh sách 13 dự án, có 4 dự án đang chuẩn bị đầu tư gồm: Dự án BT cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh - quận 8, huyện Bình Chánh) tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỉ đồng đang chờ "chốt" hình thức đầu tư từ ngân sách thành phố hoặc theo hình thức BT; Dự án Xây dựng cụm cảng trung chuyển - ICD tại phường Long Bình (TP.Thủ Đức) 6.200 tỉ đồng đang chờ báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện và thủ tục tiếp theo.
13 dự án với tổng vốn hơn 175.000 tỉ đồng mà TP HCM đang phải chờ Chính phủ gỡ vướng.
Ngoài ra còn 2 dự án là đầu tư xây dựng đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài tổng vốn 15.900 tỉ đồng và dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 vốn 75.777 tỉ đồng. Đây là 2 dự án quan trọng có tổng mức đầu tư lớn nhất, TP HCM đang đề nghị Chính phủ hỗ trợ một phần vốn đầu tư.
Nhóm dự án đang thực hiện chờ xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ gồm 9 công trình trọng điểm. Trong đó có tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên). Thành phố kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho phép sử dụng ngân sách thành phố để bố trí kinh phí đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ của Công ty TNHH một thành viên Đường sắt đô thị số 1 TP HCM trong giai đoạn chuẩn bị vận hành khai thác thương mại tuyến này.
Đối với dự án Xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, đây là công trình trọng điểm giải tỏa ách tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất có vốn đầu tư gần 4.850 tỉ đồng. TP HCM vẫn đang chờ Thủ tướng cho phép thực hiện trước việc bàn giao mặt bằng khu đất khoảng 11,8 ha đất quốc phòng với hình thức Bộ Quốc phòng chuyển giao cho địa phương quản lý để nhanh chóng triển khai thực hiện dự án.
Cụ thể, dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1; Mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1; Xây dựng cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 2); Xây dựng đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến đường Vành đai 2; Đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2; xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm và dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía bắc, hoàn thiện đường trục Bắc - Nam trong khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng đang chờ xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chấp thuận các đề xuất của UBND TP HCM nhằm gỡ vướng cho các dự án.
Tổng mức đầu tư của 13 dự án trọng điểm này có giá trị là hơn 175.000 tỉ đồng. Và đây chính là các dự án có vướng mắc tồn đọng cần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ mà Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình, đã thông tin trước đó.
Trước đó, ngày 18/10/2021, tại kỳ họp HĐND TP HCM thứ 3 khóa X, ông Lê Hòa Bình - Phó Chủ tịch UBND TP HCM - đã trình tờ trình của UBND TP đề nghị xem xét thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài.
Theo UBND TP, dự án nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và giảm tải cho quốc lộ 22. Đây sẽ là tuyến giao thông xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế ASEAN.
Dự án cũng nhằm phát huy lợi thế các tuyến cao tốc đã và đang được đầu tư xây dựng trong khu vực; góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, tạo bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Theo tờ trình, dự án nằm trên địa bàn TP HCM và tỉnh Tây Ninh, bắt đầu từ đường vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, tuyến đi song song với quốc lộ 22 hiện hữu. Đoạn cuối kết nối vào quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu Mộc Bài.
Theo quy hoạch, mặt cắt ngang đoạn qua địa bàn TP HCM có 8 làn xe, đoạn còn lại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 6 làn xe. Chiều dài toàn tuyến khoảng 50km, đoạn qua TP HCM khoảng 23,7km và 26,3km qua địa phận tỉnh Tây Ninh.
Dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT); nhà đầu tư thu phí hoàn vốn theo hợp đồng BOT, Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn ngân sách của TP HCM và tỉnh Tây Ninh.
Dự kiến tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 15.900 tỉ đồng. Thời gian thực hiện giai đoạn 1 dự kiến từ năm 2021-2025.