Cuộc cạnh tranh khốc liệt "hút" nhân lực chất lượng cao
Nhân lực có trình độ chuyên môn chất lượng đang bị thiếu hụt trầm trọng trong nhiều ngành nghề.
"Khát" nhân lực chất lượng cao
Ông Nguyễn Thành Lưu, Trưởng Ban Marketing & Truyền thông - Tập đoàn Công nghệ CMC cho biết, các tập đoàn công nghệ trong nước hiện rất thiếu nhân lực chất lượng cao. Ở tập đoàn này, mỗi tháng tuyển dụng khoảng vài trăm nhân sự là bình thường nhưng việc tuyển dụng không hề dễ.
"Bản thân các doanh nghiệp trong nước đã cạnh tranh với nhau khốc liệt về nguồn nhân lực, chưa kể các doanh nghiệp nước ngoài cũng dễ dàng dùng mọi cách để "câu" các nhân sự tốt từ các doanh nghiệp trong nước.
Doanh nghiệp tuyển dụng lao động tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội.
Điều này có ưu điểm tạo ra nhu cầu rất lớn cho nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo công ăn việc làm cho lao động, thu nhập tốt hơn nhưng ngược lại, nó gây áp lực ngược cho các doanh nghiệp đổ xô đi "săn đầu người".
Đặc biệt tình trạng các bạn trẻ nhảy việc sau khi được doanh nghiệp đào tạo khiến không ít doanh nghiệp lao đao và tạo nên cơn sốt ảo về nguồn nhân lực", ông Lưu nói.
Ông Hoàng Xuân Hiệp - Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Bí thư Đảng ủy trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cho hay, giai đoạn từ nay đến 2030, khoảng 850 nghìn lao động, bao gồm cả lao động mới phát sinh và lao động đang làm việc trong ngành dệt may cần đào tạo chuyển đổi.
Vì vậy, trong giai đoạn từ nay đến 2030, nhu cầu đào tạo cho nguồn nhân lực trong ngành này rất lớn. Cũng theo chuyên gia này, hiện nay ngành dệt may Việt Nam có khoảng 84% là nhân lực có trình độ THPT, 12% nhân lực có trình độ Đại học, Cao đẳng trở lên.
Như vậy, so với mức bình quân của cả nước, rõ ràng tỷ lệ lao động qua đào tạo trong ngành này còn thấp.
Trong giai đoạn tới, để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc tập trung đào tạo nhân lực là một trong những hạng mục ưu tiên nếu ngành này muốn gia tăng năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của mình.
Ông Nguyễn Nhật Linh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhật Thành cũng nói rằng, đơn vị này có nhu cầu khá lớn về số cán bộ, công nhân viên, đặc biệt là nguồn nhân lực có tay nghề trong những lĩnh vực chuyên biệt như hóa sinh, nông nghiệp.
"Trước dịch Covid-19, để phát triển một thương hiệu sơn, chúng tôi đăng tuyển nhiều vị trí kinh doanh và sản xuất nhưng số người lao động có tay nghề vốn không nhiều, lại đều đang làm việc cho các doanh nghiệp khác nên rất khó kiếm nhân tài.
Đại dịch diễn ra khiến nhiều người ở các công ty khác nghỉ việc do bị nợ lương. Chớp thời cơ này, chúng tôi mời lao động đó về, trả 75% lương ngay trong thời gian giãn cách xã hội, đến khi công ty hoạt động bình thường thì trả đủ 100%. Nhờ vậy, tập đoàn đã thu hút được nhiều lao động có tay nghề", ông Linh nói.
Thay đổi để thích ứng
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã dẫn đến sự ra đời của nhiều ngành mới, tác động đến cung cầu lao động và sự dịch chuyển cơ cấu nguồn lao động tại Việt Nam.
Ông Hoàng Xuân Hiệp cho hay, chất lượng nguồn nhân lực trong ngành dệt may trước và sau Covid-19 có sự thay đổi tương đối lớn.
Dịch Covid-19 tạo ra hai điểm: Một là các doanh nghiệp và đối tác, khách hàng hạn chế tiếp xúc, như vậy phải thúc đẩy công nghệ số phát triển; hai là, tác động của Covid-19 khiến giá thành sản phẩm giảm xuống, vì vậy tất cả đối tác đề nghị giảm chi phí sản xuất.
Từ đó, công tác đào tạo nhân lực cho ngành dệt may phải đảm bảo hai việc: Một là, nhân lực có thể làm việc trong môi trường số; hai là, nhân lực có thể đảm nhiệm được những khâu khó như phát triển mẫu. Đây là những sự thay đổi về chất lượng đào tạo nhân lực mà ngành dệt may và các trường đào tạo cần hướng tới.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Lưu cũng nhận xét, hiện nhiều trường đại học, cao đẳng đang nặng về đào tạo hàn lâm nhưng thiếu thực tế.
Do đó, doanh nghiệp phải chủ động phối hợp với các trường và các trường liên kết với doanh nghiệp để có các khóa trải nghiệm, triển khai các dự án giúp các em làm quen và học việc.
Xu hướng hiện nay, các doanh nghiệp lớn thường liên kết, đặt hàng, mở các trường đào tạo nhân lực cho đơn vị mình. Đặc biệt, một số tập đoàn liên kết hẳn với một số khoa hoặc có trường ĐH mang tên doanh nghiệp để đào tạo nhân lực cho chính mình.