Bình Dương, TP HCM rầm rộ dịch vụ cầm cố, thu mua sổ bảo hiểm xã hội
Tại Bình Dương, TP HCM, các "cò" công khai mời chào mua bán sổ bảo hiểm xã hội và cam kết trả trước tiền mặt từ 40 - 50% giá trị sổ.
Bình Dương, TP HCM rầm rộ dịch vụ cầm cố, thu mua sổ bảo hiểm xã hội. Đồ họa: TG
Tái diễn việc thu mua sổ bảo hiểm xã hội của người lao động ở Bình Dương, TP HCM
Bình Dương là địa bàn tập trung đông công nhân lao động. Trước đây, năm 2020, tình trạng thu mua sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) tràn lan. Thậm chí có đối tượng còn lập trang mạng mạo danh cơ quan BHXH để rao tin thu mua sổ BHXH của người lao động.
Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc ráo riết, xử lý hình sự một số đối tượng thì hoạt động này lắng xuống. Tuy nhiên, đầu năm 2025, các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật lại bắt đầu hoạt động trở lại.
Trên mạng xã hội, rất nhiều nhóm mua bán sổ BHXH với hàng nghìn thành viên. Các đối tượng đăng tin thu mua, nhận cầm cố sổ BHXH để tìm kiếm người lao động thanh lý. Trên các trang mạng công khai sẵn số điện thoại của người thu mua để tìm kiếm khách hàng.
Người lao động tự đăng tin trên các hội nhóm mạng xã hội để tìm “cò” gom sổ. Ảnh: Đình Trọng
Phóng viên đã liên hệ với một số điện thoại là đầu mối nhận thu mua, cầm cố sổ BHXH. Người này cho biết nhận thu mua lại hoặc cầm cố sổ BHXH của người lao động kết thúc hợp đồng từ cuối năm 2024. Đề nghị kết bạn qua zalo sau đó chụp sổ BHXH và CCCD để kiểm tra tình trạng sổ và định giá. Kể cả sổ BHXH bị trùng các đối tượng cũng sẽ thu mua.
"Dù sổ bị trùng, mất tờ rời cũng thu mua lại hết. Bên em sẽ thu mua từ 50% trở lên. Chỉ cần người bán có CCCD, bên em nhận thanh lý rồi tự làm với cơ quan BHXH. Anh chị cứ gửi sổ qua để bên em kiểm tra tình trạng và báo giá. Sau đó nếu anh chị đồng ý thì sẽ thực hiện các thủ tục công chứng ủy quyền để bên em đi làm sau này ", người thu mua sổ BHXH cho biết.
“Cò bảo hiểm” nhận mọi loại sổ BHXH dù bị lỗi hoặc trùng thời gian để làm dịch vụ, ăn chênh lệch. Ảnh: Đình Trọng
Tiếp tục liên hệ tới một đầu mối thu gom sổ BHXH ở TP HCM, người này cho biết, nếu muốn rút sổ BHXH, người lao động bắt buộc phải mang theo sổ bảo hiểm và giấy tờ tùy thân khi gặp trực tiếp để làm thủ tục ủy quyền.
“Cò bảo hiểm” khẳng định: “Việc này không thể làm online được và mỗi bên nhận làm dịch vụ sẽ đưa ra một mức giá khác nhau, phụ thuộc vào giá trị của sổ BHXH. Sổ có giá trị càng cao thì phần chênh lệch - tức khoản tiền các "cò" hưởng lợi cũng càng lớn”.
Với trường hợp người lao động tham gia BHXH được khoảng 6 năm, mức hưởng sẽ căn cứ vào tiền lương và thời gian đóng bảo hiểm. Ví dụ, nếu mức lương đóng BHXH dao động từ 4-5 triệu đồng/tháng, thì số tiền có thể nhận về khi rút sổ ước tính vào khoảng 60-70 triệu đồng.
Tuy nhiên, nếu sổ bảo hiểm có lỗi như bị trùng, đơn vị sử dụng lao động cũ chưa chốt sổ, hoặc chưa gộp đầy đủ thời gian tham gia thì phần tiền nhận được có thể bị giảm, nhưng mức giảm này cũng sẽ không quá lớn.
Ngăn chặn hành vi thu mua sổ BHXH
Trong một động thái gần đây, BHXH TP HCM cũng phát thông tin cảnh báo về tình trạng các cá nhân lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lao động, sử dụng hình ảnh, logo cơ quan nhà nước để tư vấn, thu phí cao và thực hiện dịch vụ thu mua BHXH trái phép.
Các giao dịch thường được nguỵ trang dưới hình thức “ủy quyền nhận BHXH một lần”. Người lao động ký giấy ủy quyền kèm theo giấy tờ tùy thân và sổ BHXH, sau đó bên mua dùng giấy tờ này để rút tiền tại cơ quan BHXH.
BHXH TP HCM nhận định, đây là hành vi tiềm ẩn nhiều rủi ro, không chỉ cho người lao động mà còn đối với cả người mua sổ BHXH. Nhiều trường hợp do lộ lọt thông tin cá nhân trong quá trình mua bán sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị lợi dụng danh tính cho các hành vi trái pháp luật khác. Về phía người mua, rủi ro cũng không nhỏ khi toàn bộ quyền lợi bảo hiểm xã hội theo quy định chỉ thuộc về cá nhân người lao động.
Còn theo cơ quan BHXH Khu vực IV - Bình Dương cho biết, trước đây lợi dụng những người lao động nghỉ việc gặp khó khăn, đối tượng đã thực hiện hành vi mua gom sổ BHXH.
Giá mua chỉ từ 40% - 50% giá trị thực tế người lao động được hưởng và trả tiền mặt ngay cho người lao động, kèm theo ràng buộc, ép buộc người bán sổ phải làm giấy ủy quyền làm thủ tục hưởng chế độ cho đối tượng.
Ngoài ra, còn có hành vi cầm cố và thế chấp sổ BHXH, giống như hình thức cho vay tiền. Các đối tượng sẽ định giá mức cho vay từ 40% - 50% giá trị sổ, nếu người lao động muốn chuộc lại thì cũng bị lãi mẹ đẻ lãi con khó có khả năng chi trả và cuối cùng cũng bị ép bán sổ cho họ. Các hành vi trên xem như là thu lợi bất chính trên mồ hôi công sức và tiền chế độ BHXH của người lao động.
Hàng loạt hội nhóm chuyên cung cấp các dịch vụ mua bán, ủy quyền lấy sổ bảo hiểm xã hội có lượng người tham gia khủng trên mạng xã hội. Đồ họa: TG
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Duy Hiểu - Phó Giám đốc Cơ quan BHXH Khu vực IV - Bình Dương cũng thừa nhận thời gian gần đây trên các trang mạng rao tin thu mua sổ BHXH rầm rộ.
Về giải pháp ngăn chặn các hành vi trên, ông Nguyễn Duy Hiểu khẳng định, những năm gần đây cơ quan BHXH tập trung tuyên truyền về lợi hại của việc mua bán sổ BHXH và việc vi phạm pháp luật khi mua bán sổ BHXH.
"Chúng tôi hạn chế tối đa việc ủy quyền thực hiện các thủ tục hưởng BHXH. Nộp hồ sơ phải đúng người và phải có CCCD. Không để xảy ra tình trạng 1 người nhận ủy quyền từ nhiều người. Nếu thấy xuất hiện trường hợp này là mời lên làm việc để xác định rõ", ông Nguyễn Duy Hiểu cho biết.
Vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hình sự
Hoạt động mua bán sổ BHXH không chỉ khiến người lao động chịu thiệt mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Theo Nghị định 12/2022/NĐ-CP, việc kê khai sai sự thật liên quan đến hồ sơ BHXH có thể bị phạt hành chính từ 1 - 2 triệu đồng.
Nghiêm trọng hơn, theo Điều 214 Bộ luật Hình sự, hành vi làm giả hồ sơ BHXH để chiếm đoạt tiền từ 10 - dưới 100 triệu đồng có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Mức phạt tăng lên nếu chiếm đoạt từ 100 triệu - dưới 500 triệu đồng, có thể bị phạt tù 1-5 năm.
Trên thực tế, do các giấy ủy quyền có thể được lập khống rất bài bản, cơ quan BHXH khó phân biệt thật - giả nếu không có dấu hiệu rõ ràng. Tuy nhiên, nếu phát hiện một người làm thủ tục BHXH cho nhiều người khác, cơ quan chức năng có thể chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ dấu hiệu mua bán, trục lợi chính sách.
Việc rút BHXH một lần là cách giải quyết khó khăn tạm thời, nhưng lại mang đến hệ lụy lâu dài. Người lao động mất đi quyền được bảo vệ khi về già, gây áp lực cho hệ thống an sinh xã hội.
Trong bối cảnh nhiều người lao động lâm vào cảnh túng thiếu, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật và hỗ trợ kịp thời từ chính sách an sinh sẽ là chìa khóa để ngăn chặn tình trạng bán non sổ BHXH - một hành động tưởng lợi trước mắt nhưng thiệt hại về lâu dài.