A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo vệ biển, đảo theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ quyền quốc gia trên biển là một bộ phận hữu cơ của chủ quyền quốc gia. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là bảo vệ lợi ích quốc gia - một mục tiêu đối ngoại cốt lõi theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bác Hồ trong một chuyến đến thăm cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam<p/>trên đảo Vạn Hoa - 1962

Bác Hồ trong một chuyến đến thăm cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo Vạn Hoa - 1962

Hồ Chí Minh với biển đảo

Ông cha ta ở các thời phong kiến đã hết sức bảo vệ chủ quyền đất nước. Tiêu biểu nhất là thời Lê Thánh Tông, vị vua này đã có một chỉ dụ cho các quan trấn thủ biên giới, một tấc đất của Tổ quốc cũng không được để mất, người nào mà để mất sẽ bị tội tru di.

Tuy nhiên, đến triều nhà Nguyễn thì khác, nhà Nguyễn vừa có công, vừa có tội. Công đó là thống nhất đất nước, sau đó thời Gia Long đã có chủ trương củng cố bộ máy chính quyền và quan tâm đến biển đảo, cho vẽ bản đồ, đặt mốc trên biển, hằng năm cử các hải đội Hoàng Sa ra khai thác, bảo vệ.

Tuy nhiên với việc để mất nước, triều đình nhà Nguyễn phải chịu trách nhiệm trước dân tộc, trước lịch sử đã không thực hiện được nhiệm vụ giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Phải đợi đến 80 năm sau, với chiến thắng Điện Biên Phủ chủ quyền của ta mới khôi phục được thực sự.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp nối truyền thống cha ông, trong hệ thống những quan điểm của mình. Người rất quan tâm đến vai trò của biển đảo, luôn khẳng định vị trí, tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp bảo vệ và kiến thiết đất nước.

Đáng chú ý, mục tiêu đối ngoại cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh là bảo đảm lợi ích quốc gia, như: độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, hạnh phúc, tự do của nhân dân. Người nói “muốn làm gì cũng cần vì lợi ích của dân tộc mà làm”.

Khi trở thành người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Người luôn đánh giá rất cao vị trí của biển, đảo với Tổ quốc, coi đó là một phần cấu thành nên sự giàu mạnh của đất nước. Người đã khẳng định: “Nước ta ở về xứ nóng, khí hậu tốt. Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”. Nói như vậy, Người đã khẳng định biển đảo chính là một phần quan trọng như “máu thịt” của đất nước ta. Đó là một phần không thể tách rời bằng bất cứ điều gì.

Hơn thế, trong các cuộc trò chuyện với các phái đoàn nước ngoài, Bác cũng luôn chú ý đối đáp mềm mỏng nhưng cũng rất quyết đoán nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với biển đảo quê hương. Trong số đó có lần Bác hội kiến Cao ủy Pháp D’Argenlieu sau chuyến thăm nước Cộng hòa Pháp trở về nước.

Trong cuộc trò chuyện, khi Cao ủy Pháp nói: “Chủ tịch thật quen với biển cả, có lẽ xin tặng Người danh hiệu “Người thủy thủ nhỏ” như quân đội Pháp đã yêu mến tặng Napoléon cái tên “Người đội trưởng nhỏ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp: “Phải, người thủy thủ nhỏ của Hải quân Việt Nam”. Với tài ứng phó, dí dỏm, nhưng rất mực nghiêm túc, Người đã khẳng định chủ quyền dân tộc với biển, đảo Việt Nam.

Đến ngày 07/5/1955 Người chỉ đạo thành lập Cục phòng thủ bờ bể, tiền thân của Hải quân nhân dân Việt Nam ngày nay. Ngày 31/3/1959 khi về thăm làng cá Cát Bà, Người dạy: “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ”.

Năm 1961, khi Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ hải quân, Người căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Những lời căn dặn của Bác với các chiến sĩ hải quân ngày ấy ẩn chứa sâu xa luận điểm của Người, là sự khái quát rất ngắn gọn và dễ hiểu về lịch sử truyền thống về Tổ quốc, về tiềm năng của biển nước ta và trách nhiệm của mọi thế hệ người Việt Nam phải biết khai thác, quản lý và bảo vệ biển.

Có thể nói, khi sinh thời, Người luôn luôn quan tâm đến chủ quyền biển đảo. Với Người, bảo vệ chủ quyền ấy cần sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh về kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao và văn hóa của đất nước.

Bảo vệ biển, đảo theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới

Đối với Việt Nam, Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử, hiện tại và cả tương lai. Trước việc Trung Quốc tuyên bố yêu sách đường 9 đoạn - “Đường lưỡi bò”, dựa trên quyền lịch sử, chiếm đến hơn 80% diện tích Biển Đông (bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam).

Đồng thời, thực hiện hàng loạt hành động “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại  Biển Đông và  hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, thì vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo - bảo vệ lợi ích quốc gia của Việt Nam, đang đặt ra một cách cấp bách.  

Thực tiễn đó cho thấy việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về biển đảo để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam là vô cùng cần thiết. Bởi điến nay những quan điểm, tư tưởng của Người vẫn còn nguyên giá trị.

Theo đó, chúng ta cần phải quán triệt, thực hiện một số việc như sau:

Thứ nhất, thực hiện các kênh ngoại giao với nhiều hình thức, nhằm làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ về cơ sở pháp lý, cơ sở  lịch sử, và sự phù hợp Công ước Liên hợp quốc của chủ quyền biển, đảo Việt Nam; biết rõ sự thật lịch sử về việc chủ quyền biển, đảo Việt Nam đã và đang bị xâm phạm.

Thứ hai, thể hiện công khai, minh bạch lập trường của Việt Nam tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); sự kiên trì của Việt Nam về chủ trương giải quyết hòa bình, không sử dụng vũ lực trong các tranh chấp chủ quyền biển, đảo.

Thứ ba, vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ cần được quốc tế hóa; cần đưa tranh chấp phi lý xâm phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam ra các thiết chế luật pháp quốc tế.

Thứ tư, phát huy xu thế toàn cầu hóa, xu thế hòa bình, phát triển, để đẩy mạnh các hợp tác quốc tế song phương và đa phương, nhằm bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông và khai thác nguồn lợi kinh tế Biển Đông, chia sẻ trách nhiệm, lợi ích, qua đó tạo lợi ích đan xen về kinh tế Biển Đông với các nước.

Thứ năm, đối với tổ chức ASEAN, cần thể hiện sâu sắc hơn tư cách thành viên chủ động, tích cực và trách nhiệm cao; nhằm góp phần củng cố đoàn kết, tăng cường quan hệ hữu nghị với các thành viên, giữ vững và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực; củng cố mối quan tâm chung của ASEAN là hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông; thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, thúc đẩy sớm xây dựng bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)

Thứ sáu, trên quan điểm độc lập, tự chủ, phát triển quan hệ, và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của tất cả các nước lớn, trên cơ sở lợi ích chung về an ninh, tự do hàng hải, lợi ích kinh tế trên Biển Đông. Đặc biệt chú ý quan hệ với Hoa Kỳ - một cường quốc hàng hải, đã nhiều lần tuyên bố họ có lợi ích ở Biển Đông. Lợi ích của Hoa Kỳ gắn với hòa bình, ổn định và việc không quốc gia nào được độc chiếm, chi phối Biển Đông.

Trong quan hệ với các nước lớn, cần quán triệt tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh, là “sẵn sàng đặt mọi quan hệ thân thiện hợp tác với bất cứ một nước nào trên nguyên tắc: tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp nội trị của nhau, bình đẳng cùng có lợi và chung sống hoà bình”.

Lịch sử cho thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh về biển đảo đã phát huy hiệu quả to lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Ngày nay, trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bên cạnh các lợi thế, việc nghiên cứu sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về biển đảo để vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể hiện nay, là việc làm có ý nghĩa thiết thực.     


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan