Ấm lòng người lao động
Thời gian qua, các cấp Công đoàn TP Hà Nội luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động với nội dung và hình thức đa dạng hơn theo hướng thiết thực, gắn với nhu cầu thực tế.
Lấy đoàn viên, người lao động là trung tâm
Hiện nay, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, với tổng số 9.360 Công đoàn cơ sở và 700.000 đoàn viên (trong đó, khu vực sản xuất kinh doanh chiếm 68% số đoàn viên toàn TP).
Thời gian qua, các cấp Công đoàn tập trung nguồn lực cho nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động; cắt bỏ những hoạt động không thiết thực, tốn kém kinh phí. Trong 5 năm qua, Công đoàn Thủ đô đã hỗ trợ cho 1.2 triệu lượt đoàn viên, người lao động với số tiền trên 600 tỷ đồng thông qua các hoạt động tổ chức “Tết sum vầy”, “Chợ Tết Công đoàn”, các chuyến xe miễn phí đưa công nhân về quê đón Tết, “Mái ấm công đoàn”…
Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh (thứ hai từ phải sang) tặng quà cho gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh - công nhân Công ty TNHH Kai Việt Nam |
Hưởng ứng chương trình “1 triệu sáng kiến”, LĐLĐ TP đã vượt 320% chỉ tiêu Tổng Liên đoàn giao, dẫn dầu cả nước về số lượng người tham gia và đứng thứ hai về số sáng kiến...
Đầu năm 2023, trước tình hình các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, người lao động bị thiếu việc làm, mất việc làm, LĐLĐ TP đã nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam để hỗ trợ kịp thời cho người lao động khó khăn ở các doanh nghiệp bị ảnh hưởng với số tiền 1,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn TP đã làm tốt chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên Công đoàn”, tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho đoàn viên với giá ưu đãi, góp phần cải thiện đời sống đoàn viên, thông qua đó thể hiện rõ hơn vai trò của tổ chức Công đoàn là tổ ấm của người lao động.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Phạm Quang Thanh cho biết, trong bối cảnh mới, các cấp Công đoàn Thủ đô luôn xác định phải tập trung đổi mới quyết liệt, mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, hướng về người lao động; vì quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.
Lãnh đạo LĐLĐ thành phố Hà Nội thăm, tặng quà cho lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn |
Trên cơ sở chương trình toàn khóa, hàng năm căn cứ nhiệm vụ công tác, LĐLĐ TP xây dựng 10 hoạt động trọng tâm, 10 nhiệm vụ trọng điểm; giao chỉ tiêu cụ thể cho từng Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để triển khai thực hiện, phân công rõ trách nhiệm…
Cùng với đó, LĐLĐ TP đổi mới phương pháp, lề lối làm việc. Cán bộ Công đoàn tăng cường đi cơ sở, hỗ trợ và lắng nghe cơ sở; tăng cường trao đổi thông tin thông qua các ứng dụng mạng xã hội, giảm hội họp và các thủ tục hành chính rườm rà. Công đoàn luôn trú trọng nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản, triển khai chương trình kế hoạch của các cấp Công đoàn theo hướng thiết thực, hiệu quả, sát với thực tiễn.
Nhiều hoạt động chăm lo người lao động dịp Tết
Trong năm 2024, Công đoàn TP Hà Nội sẽ tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ thiết thực đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động.
Gần nhất, trong kế hoạch chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Giáp Thìn 2024, LĐLĐ TP Hà Nội yêu cầu Công đoàn các cấp tập trung chăm lo, bảo đảm đoàn viên, người lao động đón Tết an toàn, vui tươi, ấm áp, hạnh phúc.
Theo đó, mỗi đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn như: Gia đình có người thân gặp tai nạn rủi ro, người bị tai nạn lao động, người có thu nhập bình quân 6 tháng liền kề dưới 4.680.000 đồng/tháng (thu nhập thấp) sẽ được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Người lao động mua hàng tại chương trình Chợ Tết Công đoàn năm 2023 do LĐLĐ TP Hà Nội tổ chức |
LĐLĐ TP cũng đặc biệt quan tâm chăm lo, hỗ trợ người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; doanh nghiệp gặp khó khăn do suy thoái kinh tế, bị cắt, giảm đơn hàng, giảm thời gian làm việc, thu hẹp quy mô sản xuất, tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản... dẫn đến nhiều lao động bị giảm thời gian làm việc, mất việc làm.
Cụ thể, với chương trình “Hành trình Tết Công đoàn - Xuân 2024”, LĐLĐ TP Hà Nội sẽ tổ chức hỗ trợ khoảng 30 xe đưa đón 5.000 công nhân lao động khu công nghiệp về quê đón Tết và quay trở lại làm việc sau Tết. Trong đó, công nhân đi các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh khoảng 2.000 người; tỉnh Thanh Hóa 2.000 người. Một số tỉnh phía Bắc (Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Lạng Sơn) 1.000 người.
Ngoài ra, nhiều hoạt động chăm lo cho người lao động trong dịp Tết cũng sẽ được LĐLĐ TP tổ chức như: Chương trình “Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ” 2024, “Chợ Tết Công đoàn năm 2024”, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 35 “Mái ấm Công đoàn”…
Đáng chú ý, chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2024” có quy mô khoảng 80 gian hàng giảm giá 0 đồng, gồm các sản phẩm, hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ Tết. Số lượng phiếu mua hàng tặng cho đoàn viên, người lao động khó khăn khoảng 7.800 phiếu, mỗi phiếu mua hàng giá trị 500.000 đồng.
Cũng trong dịp Tết, LĐLĐ TP Hà Nội yêu cầu các Công đoàn cơ sở chủ động tham gia với người sử dụng lao động công khai phương án trả lương, thưởng Tết trước ngày nghỉ Tết ít nhất 20 ngày, để người lao động yên tâm làm việc.
Cùng với đó, giám sát việc thực hiện trả lương, thưởng Tết, điều kiện làm việc, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, làm thêm giờ; đảm bảo quyền lợi thỏa đáng cho người lao động tăng ca, làm thêm giờ, làm việc trong dịp Tết.
Với phương châm "Công đoàn đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vì đời sống, việc làm của người lao động", những việc làm thiết thực của các cấp Công đoàn Thủ đô đã góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; tạo niềm tin giữa đội ngũ công nhân, viên chức, lao động, người dân với Đảng, chính quyền và tổ chức Công đoàn các cấp.