A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xu thế giảm phát thải và vai trò của năng lượng tái tạo trong bảo vệ môi trường

Phát triển nguồn năng lượng tái tạo không chỉ bảo đảm nguồn cung cấp điện năng cho đất nước với chi phí hợp lý, mà còn góp phần cụ thể hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về "0" (Net Zero) vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần hiểu rõ được xu thế tất yếu của giảm phát thải và vai trò của năng lượng tái tạo trong lộ trình Net Zero.

Xu thế tất yếu phải giảm pháp thải

Phát thải ròng bằng không (Net Zero) đạt được khi tổng lượng khí nhà kính do con người thải ra được cân bằng lại bằng cách loại bỏ các loại khí này ra khỏi khí quyển thông qua quá trình loại bỏ carbon. Đạt phát thải ròng bằng 0 cũng giống như đạt “sự trung hòa về khí hậu”.

Hội COP26 (tại Glasgow - Scotland, Vương quốc Anh tháng 11/2021) là cơ hội để cả thế giới thực hiện cam kết giới hạn sự nóng lên trên toàn cầu theo Hiệp định Paris. Hiệp ước này kêu gọi đẩy nhanh nỗ lực giảm dần điện than không sử dụng công nghệ thu giữ carbon và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả, đồng thời thừa nhận sự cần thiết phải hỗ trợ để hướng tới một quá trình chuyển đổi công bằng.

Đây được đánh giá là bước ngoặt lớn bởi lần đầu tiên nhiên liệu hóa thạch được đề cập tại một thỏa thuận trong một kỳ hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên hợp quốc.

Chuyển dịch sang năng lượng sạch đã trở thành con đường bắt buộc với tất cả các quốc gia. Theo báo cáo của cơ quan Năng lượng quốc tế về Lộ trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 của ngành năng lượng, đến năm 2030, quy mô điện gió và mặt trời sẽ cần tăng gấp 4 lần, số xe điện bán ra sẽ tăng 18 lần, hiệu suất sử dụng năng lượng cần nâng cao nhiều lần so với năm 2020.

Năng lượng tái tạo và giải pháp tích trữ vẫn tiếp tục có những đột phá mới về công nghệ. Sự hội tụ của các đột phá này sẽ giúp giá thành của năng lượng sạch trở nên cạnh tranh và thậm chí có thể trở thành nguồn năng lượng có giá rẻ nhất vào cuối thập kỷ này.

Nguồn tài chính toàn cầu cũng đang dịch chuyển mạnh sang cho năng lượng sạch. Các quốc gia và các tập đoàn đa quốc gia bước vào cuộc đua giành nhanh nhất, nhiều nhất có thể nguồn tài chính khí hậu quốc tế để đầu tư vào năng lượng sạch, giao thông điện, công nghiệp sạch.

Vai trò của năng lượng tái tạo trong lộ trình Net Zero

Yếu tố quan trọng thực hiện Net Zero là phát triển năng lượng tái tạo, nguồn này phải chiếm từ 80-90% tổng công suất hệ thống thì Việt Nam mới có thể đạt được cam kết tại COP26.

Thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Việt Nam cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2015. NDC 2020 đưa ra cam kết mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính 9% vô điều kiện (bằng nguồn lực trong nước) và 27% có điều kiện (với hỗ trợ quốc tế) vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường (BAU).

NDC 2020 ước tính tổng lượng phát thải khí nhà kính đạt 528,4 triệu tấn CO2tđ (CO2 tương đương) vào năm 2020 và 927,9 triệu tấn CO2tđ vào năm 2030. Trong năm lĩnh vực phát thải chính (theo phân loại của IPCC), thì năng lượng là ngành có lượng phát thải lớn nhất, chiếm khoảng 65,8% tổng lượng phát thải khí nhà kính năm 2020 và ước tính tăng lên 73,1% năm 2030.

Trong lĩnh vực năng lượng, 60% lượng phát thải năm 2020 từ công nghiệp năng lượng - chủ yếu từ sản xuất điện năng. Do đó, việc giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất điện là vô cùng quan trọng để Việt Nam có thể đạt các cam kết trong NDC và mục tiêu net-zero mới.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB, 2020), khí hậu và địa hình của Việt Nam khiến năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, có triển vọng đầu tư đáng kể. Nguồn tài nguyên gió rộng lớn của Việt Nam là nhờ vào hình dạng địa lý dài và hẹp của đất nước với hơn 3.000 km đường bờ biển, bao gồm cả đồi và núi.

Tính đến cuối năm 2021, các nguồn năng lượng tái tạo có tổng công suất lắp đặt là 20.670 MW, chiếm 27% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống (76.620 MW); tổng sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo đạt 31.508 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng toàn hệ thống.

Cụ thể, về điện gió, Việt Nam có 70 dự án với tổng công suất đạt 3.987 MW đã đưa vào vận hành thương mại, sản lượng điện sản xuất đạt 3,34 tỷ kWh trong năm 2021, tương đương 1,3% sản lượng toàn hệ thống. Về điện mặt trời, sản lượng điện sản xuất từ năng lượng mặt trời chiếm khoảng 10,8% tổng sản lượng điện toàn hệ thống năm 2021.

Trong những năm gần đây, các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam đã thu hút được nhiều vốn đầu tư FDI và đầu tư tư nhân trong những. Trong năm 2021, việc thu hút được nhiều dự án mới và quy mô lớn với 5,7 tỷ USD, chiếm 18.3% tổng vốn đầu tư đăng ký đã giúp ngành sản xuất và phân phối điện xếp thứ 2 trong số các ngành thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ().

Phát triển công nghiệp sinh thái là giải pháp khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm lãng phí tài nguyên, mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Phát triển công nghiệp sinh thái là giải pháp khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm lãng phí tài nguyên, mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Có nhiều yếu tố thúc đẩy ngành năng lượng tái tạo phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Đầu tiên là mức tiêu thụ điện trong nước cao. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Việt Nam là quốc gia sử dụng điện nhiều thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào ngành năng lượng tại Việt Nam nói chung hay năng lượng tái tạo nói riêng.

Như đã phân tích, Việt Nam có nhiều tiềm năng địa lý tự nhiên rất lý tưởng cho sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió. Theo các nhà phân tích quốc tế, Việt Nam là một trong những nước có số giờ nắng cao nhất châu Á (trung bình 1.500 đến 1.700 giờ mỗi năm), đặc biệt là ở khu vực miền nam, nơi tập trung phần lớn các khu sản xuất trong nước. Cường độ bức xạ mặt trời cũng không thay đổi đáng kể trong năm.

Ngoài ra, những hỗ trợ đến từ chính phủ bao gồm các ưu đãi thuế và áp dụng cơ chế giá hỗ trợ mua điện từ các dự án năng lượng tái tạo (feed-in tariffs – FiTs) cũng góp phần lớn vào sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Các nhà phân tích thị trường cho rằng, nếu duy trì tốc độ mở rộng nhanh chóng về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ thăng hạng hơn nữa trong bảng xếp hạng, có thể vượt qua các quốc gia như Australia và Italy về các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo và sáng tạo.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan