Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn: Đến lượt vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng được tái chế
Thay vì vứt bỏ, tăng áp lực rác thải cho môi trường, tới đây vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng sẽ được thu gom, tái chế khi dây chuyền tách giấy hiện đại theo công nghệ của châu Âu tại nhà máy tái chế giấy của Đồng Tiến sẽ chính thức đi vào hoạt động…
3,5 triệu euro từ sự hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước
Tetra Pak, nhà cung cấp các giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm đến từ Thụy Điển và công ty Giấy và Bao bì Đồng Tiến công bố khoản đầu tư trị giá 3,5 triệu euro để nâng cấp và mở rộng năng lực tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng tại Việt Nam.
Cụ thể, Tetra Pak sẽ đầu tư 1,2 triệu euro cho việc lắp đặt một dây chuyền tách giấy hiện đại theo công nghệ của châu Âu tại nhà máy tái chế giấy của Đồng Tiến, dự kiến sẽ hoàn tất vào quý IV năm nay.
Khoản đầu tư này có ý nghĩa quan trọng bởi đây là lần đầu tiên một công ty cung ứng bao bì nước ngoài đầu tư trực tiếp vào việc xây dựng năng lực cho ngành tái chế còn đang rất non trẻ tại Việt Nam.
Theo ông Eliseo Barcas, Tổng Giám đốc Tetra Pak Việt Nam, việc hỗ trợ xây dựng năng lực tái chế vỏ hộp giấy tại địa phương nằm trong chiến lược hình thành nền kinh tế tuần hoàn, ít phát thải carbon của Tetra Pak trên toàn cầu..
“Điều đó cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ của chúng tôi trong việc đồng hành cùng các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống thực hiện trách nhiệm thu gom bao bì sau khi sử dụng”, ông Eliseo Barcas nhấn mạnh
Công suất tái chế của nhà máy Đồng Tiến dự kiến sẽ tăng lên 17.000 tấn/năm sau khi nâng cấp |
Dây chuyền tách giấy từ vỏ hộp sữa với công nghệ hiện đại này dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi công suất tái chế tại Đồng Tiến lên 17.000 tấn/năm. Nó cũng cho phép tạo ra bột giấy tái chế có chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn để sản xuất các sản phẩm giấy có giá trị thương mại như giấy ăn, giấy vệ sinh, giấy viết. Từ đó giúp tăng giá trị thu mua vỏ hộp giấy và thu nhập cho người thu gom.
Với chất lượng bột giấy tái chế được nâng cao, Công ty Đồng Tiến sẽ đầu tư 2,3 triệu euro vào hệ thống nhà xưởng và dây chuyền sản xuất giấy kraft – hiện đang rất được ưa chuộng trên thế giới.
“Chúng tôi luôn định hướng hiện đại hóa dây chuyền tái chế giấy để tạo ra các sản phẩm giấy tái chế đạt chất lượng theo tiêu chuẩn thế giới, góp phần nâng cao năng lực tái chế chung của ngành cũng như tạo ra giá trị cao hơn cho người thu gom. Chúng tôi kỳ vọng một khi đi vào hoạt động đủ công suất, dây chuyền mới sẽ khuyến khích thói quen thu gom vỏ hộp giấy tại các cơ sở thu gom và người dân, từ đó lan rộng ra toàn xã hội, tạo nguồn cung dồi dào cho việc tái chế vỏ hộp giấy, giúp chúng tôi sản xuất kinh doanh hiệu quả và bền vững hơn.” -vông Hoàng Trung Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Giấy và Bao bì Đồng Tiến chia sẻ.
Phát triển hệ sinh thái vỏ hộp
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường F&B (ẩm thực và đồ uống) cùng với nhận thức ngày càng cao của người tiêu dùng về việc phân loại và tái chế rác thải đang thúc đẩy nhu cầu tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của công tác tái chế tại Việt Nam là việc thiếu hạ tầng thu gom, cũng như chất lượng nguyên liệu đầu ra còn thấp do công nghệ cũ, dẫn đến sản phẩm tái chế thương mại chưa có giá trị cao.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh quy chế về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đối với rác thải từ sản phẩm của mình, trong đó có bao bì đã được áp dụng từ 1/1/2022, việc phát triển một hệ sinh thái tái chế vỏ hộp giấy hoàn thiện mang ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống đáp ứng được yêu cầu đặt ra của cơ quan quản lý nhà nước.
Theo ông Trần Quang Trung – Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, Chính phủ mới đây đã đưa ra những quy định mới về môi trường, trong đó các nhà sản xuất sẽ có trách nhiệm thu hồi và tái chế các bao bì mà họ bán ra thị trường để bảo vệ môi trường và hướng tới xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn.
“Quy định này chắc chắn sẽ mang tới nhiều thách thức cho các nhà sản xuất sữa vì nó liên quan nhiều đến hạ tầng phân loại, thu gom và tái chế, hiện còn đang rất yếu ở Việt Nam. Chính vì vậy, chúng tôi đánh giá rất cao việc một đối tác có tâm huyết và kinh nghiệm như Tetra Pak hỗ trợ xây dựng hạ tầng tái chế và cùng chia sẻ trách nhiệm xây dựng một môi trường bền vững cùng với các nhà sản xuất. Việc đẩy mạnh tái chế cũng sẽ giúp các nhà sản xuất xây dựng hình ảnh sản phẩm thân thiện với môi trường trong mắt đối tác và người tiêu dùng, từ đó tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.”- Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam chia sẻ.
Đồng Tiến được coi là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam có cơ sở hạ tầng đủ năng lực để tái chế hoàn toàn vỏ hộp giấy. Với sự tâm huyết của mình, Đồng Tiến đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thị trường giấy tái chế bền vững. Đồng Tiến và Tetra Pak đã hợp tác trong hơn 10 năm nhằm đi đến mục tiêu chung là xây dựng một hệ sinh thái tái chế vỏ hộp giấy cho các khách hàng của Tetra Pak tại Việt Nam, góp phần mở rộng hoạt động thu gom vỏ hộp giấy đã qua sử dụng và phát triển ngành công nghiệp giấy tái chế trong nước.
Hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn ít phát thải carbon, Tetra Pak đang nỗ lực để sử dụng nguyên liệu tái sinh và giảm phát thải trong toàn bộ chuỗi giá trị của mình. Đích đến mà công ty hướng tới là tăng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu tái sinh lên tới 100%.
Đặc biệt, để hoạt động thu gom và tái chế vỏ hộp giấy đạt quy mô lớn và rộng khắp, Tetra Pak đang hợp tác với các nhà bán lẻ lớn như Mega Market để mở rộng các điểm thu gom vỏ hộp giấy trong cộng đồng tại các thành phố lớn. Bên cạnh 63 điểm thu gom công cộng mà Tetra Pak cùng với các đối tác thu gom đã và đang triển khai tại Việt Nam, công ty cũng hợp tác để đưa vỏ hộp giấy vào danh mục thu gom của ứng dụng VECA trên điện thoại thông minh.
Cùng với đó, Tetra Pak đã cùng với các công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, sản xuất bao bì, bán lẻ và nhập khẩu sáng lập Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO) với mục tiêu là toàn bộ bao bì do các thành viên trong Liên minh cung cấp cho thị trường Việt Nam sẽ được thu gom và tái chế vào năm 2030.