A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn cho rằng, nông nghiệp bền vững chính là một trong những mục tiêu tiên quyết mà Việt Nam cần triển khai.

 

Việt Nam là nước nông nghiệp (khoảng 20% GDP). Tổ chức Phát triển của Liên Hợp Quốc đánh giá là 1 trong 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất và tổn thương trực tiếp do quá trình biến đổi khí hậu. Tác động này được đánh giá là rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và các mục tiêu Thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của Việt Nam. Điều này cho thấy sự cần thiết phải có thêm đầu tư nhằm giúp ngành nông nghiệp Việt Nam thích ứng.

- Là một người có nhiều năm nghiên cứu về thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi nông nghiệp bền vững, ông có bình luận gì về mục tiêu “tự biến đổi để thích nghi” trước tác động của biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp?

Tôi cho rằng, biến đổi khí hậu là một hiện tượng toàn cầu và có một ảnh hưởng vô cùng lớn, chúng ta không thể chống lại. Những giải pháp gọi là “chống biến đổi khí hậu” như là làm đê ngăn lụt hay làm cống ngăn xâm nhập mặn, thực ra chúng ta đã làm từ lâu chỉ có điều bây giờ phải làm mạnh hơn và đòi hỏi chi phí cũng phải đủ lớn để đáp ứng được theo diện rộng. Bởi những công trình này nếu không được vận hành một cách khéo léo thì lại gây ra một số hệ lụy khác.

Ngược lại, nếu chúng ta thay đổi sinh kế, thuận theo những thay đổi do biến đổi khí hậu, có nước ngọt thì trồng lúa, bị xâm nhập mặn thì chuyển sang nuôi tôm, có thể lại mang lại giá trị kinh tế lớn hơn. Việc quyết định khi nào “bảo vệ hiện trạng”, khi nào “tùy nghi theo biến đổi” đòi hỏi sự phối hợp của khoa học, công nghệ, nghiên cứu về xã hội, thậm chí cả về văn hóa. Đây là công việc đầy thách thức và khó khăn.

Phát triển nông nghiệp bền vững để thích ứng trước tác động của biến đổi khí hậu là mục tiêu Việt Nam cần triển khai sớm. (Ảnh: Nông trại Wineco)

Phát triển nông nghiệp bền vững để thích ứng trước tác động của biến đổi khí hậu là mục tiêu Việt Nam cần triển khai sớm. (Ảnh: Nông trại Wineco)

- Như ông nói thì đâu là những thách thức và cơ hội của doanh nghiệp và người dân khi “tùy nghi theo biến đổi”, thưa ông?

Về chuyển đổi mô hình nông nghiệp, phải đánh giá nguồn lực người dân một cách bài bản và hệ thống. Nhiều người đã quá quen với mô hình nông nghiệp cũ, rất khó để thay đổi sang một mô hình mới. Lúc đó cần một phương thức tổ chức sản xuất khác. Ví dụ như hợp tác xã thuê đất của nông dân, từ đó có điều kiện tập hợp các nguồn lực sản xuất và tiến hành chuyển đổi.

>>> Bản lề cho nông nghiệp Tây Nguyên "cất cánh"

Trên thực tế, những cam kết về biến đổi khí hậu hiện nay trên thế giới cũng đang mang lại những cơ hội rất lớn. Ví dụ các quốc gia Châu Âu đang thực hiện các “thỏa thuận xanh”, yêu cầu các sản phẩm nhập vào phải là sản phẩm sạch, ít gây ảnh hưởng tới biến đổi khí hậu. Nếu chúng ta đẩy mạnh được nông nghiệp hữu cơ, có thể năng suất sẽ thấp hơn, nhưng bán được giá cao hơn, vẫn đảm bảo được thu nhập. Những doanh nghiệp có tầm nhìn xa cũng đều từng bước chuẩn bị cho sự chuyển đổi sắp tới.

- Nhà nước và các doanh nghiệp cần phải làm gì giải quyết các thách thức và nắm bắt các cơ hội này, thưa ông?

Chúng ta vẫn thường nói “trong nguy có cơ”, nhưng thực ra muốn nắm bắt được cơ hội thì cũng phải có kiến thức, có trình độ, có sự chuẩn bị trước để biết tận dụng các nguồn lực để cùng tham gia. Để làm được những điều trên, chúng ta phải chuẩn bị không chỉ hạ tầng “cứng” là các hệ thống sản xuất, mà còn cần cả hạ tầng “mềm” như các quy trình, hệ thống công nghệ, truy xuất...

Về phía Nhà nước, cần tạo ra được cơ chế, chính sách để thu hút các bên, doanh nghiệp có thể cùng tham gia quá trình. Nhà nước không thể một mình làm hết việc chuyển đổi được.

Việc chuyển đổi là một thách thức rất lớn, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ vì nguồn lực hạn chế. Lúc này cần đến vai trò như VCCI, giúp các doanh nghiệp, đào tạo cho doanh nghiệp bằng những nguồn lực từ nhà nước hay tổ chức quốc tế. Ngoài ra, những doanh nghiệp lớn cũng có thể có vai trò dẫn dắt, tạo định hướng cho các doanh nghiệp nhỏ. Những sản phẩm “đạt yêu cầu” của doanh nghiệp lớn có thể chia sẻ, phối hợp với doanh nghiệp nhỏ một cách nhanh gọn, kéo các doanh nghiệp phụ trợ cùng đi theo.

Nhà nước cũng phải cùng tham gia trong quá trình đó, như góp phần định hướng, cung cấp thông tin hay đào tạo.

- Xin cảm ơn ông!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan