A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong quản lý chất thải

Hiện nay, cả nước có khoảng 1.322 cơ sở xử lý chất thải, gồm 381 lò đốt CTR sinh hoạt, 37 dây chuyền chế biến compost, 904 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh (khoảng 80%).

Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh mẽ. Cùng với đó là sự gia tăng dân số, kéo theo chất thải rắn (CTR) và rác thải sinh hoạt tăng về khối lượng gây áp lực lớn cho công tác bảo vệ môi trường.

Theo số liệu ước tính, hiện nay trên cả nước chỉ tính riêng lượng CTR sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000 - 70.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%. Đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh CTR sinh hoạt dự báo tăng 10-16%/năm.

Về vấn đề xử lý rác thải, hiện nay có trên 70% sản lượng rác được xử lý bằng phương thức chôn lấp, trong đó, chỉ có 15% rác thải chôn lấp hợp vệ sinh. Vấn đề xử lý nước rỉ rác là một việc rất phức tạp và tốn kém.

Ông Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T-Tech

Ông Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T-Tech

Theo ông Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T-Tech, câu chuyện rác thải Việt Nam hiện nay đang tương đối nan giải. Do thói quen của chúng ta trước đây đa phần là chôn lấp, và rác thải chủ yếu chưa được phân loại tại nguồn nên vô cùng khó khăn trong việc xử lý. Giai đoạn vừa qua nhà nước khá quan tâm tới vấn đề này nhưng chúng ta vẫn còn lúng túng đặc biệt là câu chuyện phân loại rác thải từ đầu nguồn.

Điều này đòi hỏi phải có một giải pháp tương đối mạnh và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp thì chúng ta mới giải quyết được vấn đề này. Tôi cho rằng, rác là tài nguyên và tài nguyên nghèo đến độ khi xử lý chúng ta vẫn phải hỗ trợ. Với công nghệ xử lý như của T-Tech hiện nay gần như định vị dưới 200 tấn một ngày thì chúng tôi áp dụng công nghệ tái chế, khi đó rác được coi là nguyên liệu để tái chế còn trên 200 tấn một ngày thì chúng tôi xác định đó là nhiên liệu phát điện. Đối với công nghệ nước ngoài thì đòi hỏi phải 300 - 400 tấn/ngày nhưng đối với công nghệ của T-Tech chỉ cần khoảng 200 tấn trở lên là đủ.

“Hiện nay chúng ta vẫn đang bị lúng túng, loay hoay xử lý rác là do công nghệ của chúng ta chưa tới. Bởi hiện nay ở Việt Nam đang có rất nhiều công nghệ xử lý khác nhau, đặc biệt là các công nghệ nước ngoài và bằng các nguồn vốn ODA. Đối với nước ngoài, rác được phân loại từ đầu nguồn nên việc xử lý tương đối dễ. Còn ở Việt Nam chưa được phân loại thì việc phân loại tại nhà máy xử lý rác là vô cùng khó khăn. Để phân loại được thì rác cần phải có thuộc tính ví dụ như, kích thước, màu sắc, trọng lượng, từ tính…còn đối với rác các công nghệ phân loại kiểu như sàng lồng, tuyển gió thì không thể nhận biết được để phân loại. Vì vậy, đối với công nghệ nước ngoài là tương đối khó khăn” ông Trọng nói.

Để làm được rác thì phải hiểu giác hoặc có thể nói là yêu giác và cần phải có giải pháp hữu hiệu cho nó. Đối với rác thải Việt Nam chưa được phân loại từ đầu nguồn nên sử dụng công nghệ Việt Nam sẽ thuận lợi hơn công nghệ nước ngoài. Từ trước tới nay đã có hàng trăm dự án ODA nước ngoài hoạt động nhưng không mấy hiệu quả bởi đối tượng nghiên cứu của nước ngoài khác Việt Nam, ông Trọng cho biết thêm.

Đối với vai trò của doanh nghiệp trong quản lý chất thải, PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược - Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, Nhà nước đã có những quy định về trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong bảo vệ môi trường nói chung, quản lý chất thải nói riêng.

PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược - Chính sách Tài nguyên và Môi trường

PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược - Chính sách Tài nguyên và Môi trường

Bên cạnh đó, Luật cũng thể chế hóa “Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền” và tiếp cận quản lý chất thải rắn dựa trên nguyên tắc thị trường, trong đó quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.

Cùng với đó, nhà sản xuất phải có trách nhiệm tái chế chất thải, xử lý chất thải bằng phương thức nhà sản xuất đóng góp tài chính để xử lý chất thải, qua đó, sẽ thay đổi hành vi sản xuất, tiêu dùng theo hướng thân thiện môi trường, đồng thời tạo nguồn tài chính để hỗ trợ cho hoạt động thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt tại các địa phương.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ 47/63 tỉnh, thành phố, trong năm 2021, tỷ lệ CTR sinh hoạt được thu gom xử lý tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 96,28%, vượt chỉ tiêu đề ra cả năm (89%); tại khu vực ngoại thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 66%.

Với luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã có sự thay đổi căn bản và vượt bậc trong quy định về chi trả phí thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt theo hướng chuyển từ tư duy nhà nước chi trả sang cho các chủ thể phát sinh tự chi trả. Luật cũng đã thay đổi căn cứ xác định chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt bằng cách căn cứ vào khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại để tính chi phí phải trả cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt.

Việc quản lý chất thải nguy hại ngày càng tốt hơn do thông qua hoạt động kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý, ông Thọ cho biết thêm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan