Năm 2024 đã soán kỷ lục và trở thành năm nóng nhất lịch sử
Sau đợt nắng nóng gay gắt vào mùa hè năm ngoái, năm 2023 vẫn được coi là năm nóng nhất trong lịch sử kể từ thời kỳ tiền công nghiệp 1850 - 1900 đến nay.
Theo số liệu do Tổ chức Biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (European Union's Copernicus Climate Change Service - C3S) cung cấp vào ngày 8/7, kỷ lục của năm 2023 đã phải nhường chỗ cho năm 2024, khi 6 tháng đầu năm được ghi nhận là nóng nhất trong lịch sử.
Theo các nhà khoa học, hành tinh sẽ còn phải tiếp tục đón nhận những chuỗi nhiệt độ khắc nghiệt tiếp theo trong mùa hè năm nay. C3S cho biết, kể từ tháng 6/2023, mỗi tháng đều có nhiệt độ nóng hơn so với cùng kỳ của những năm trước.
Tính tới tháng 6/2024, thế giới đã nóng hơn liên tục trong vòng 13 tháng, đẩy nhiệt độ Trái đất nóng lên hơn 1,64 độ C so với mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp.
Nguyên nhân của thời tiết nóng cực đoan này được xác định là do biến đổi khí hậu mà con người gây ra, cộng thêm tác động của hiện tượng khí hậu El Nino - một kiểu hình thời tiết khiến nhiệt độ nước biển tăng. Hai nhân tố chính đã khiến cho nhiệt độ Trái đất bị đẩy lên mức cao kỷ lục trong năm 2024.
Ông Zeke Hausfather, nhà khoa học nghiên cứu tại tổ chức khí hậu Berkeley Earth của Mỹ cho biết, có đến 95% khả năng năm 2024 sẽ vượt qua kỷ lục năm 2023 để trở thành năm nóng nhất kể từ thời điểm năm 1800 tới nay.
Theo đó, năm 1800 là thời kỳ mà các nhà nghiên cứu khí hậu và thời tiết bắt đầu ghi chép lại nhiệt độ bề mặt Trái đất.
Đồng tình với quan điểm này, nhà nghiên cứu Friederike Otto của Viện Grantham thuộc Đại học Hoàng gia London, Anh Quốc cũng nhận định, năm 2024 có khả năng cao sẽ được xếp hạng là năm nóng nhất trong lịch sử.
Bà Otto cho biết, El Nino là hiện tượng tự nhiên mà con người không thể ngăn chặn hay can thiệp vào, nó sẽ đến rồi đi. Thế nhưng, việc đốt nhiên liệu hóa thạch để sản xuất năng lượng lại nằm trong khả năng khống chế của loài người.
Chúng ta có thể ngừng đốt dầu, than, khí tự nhiên... để sản xuất điện, nhiệt. Khí thải nhà kính từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch mới là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan.
Sự thật tồi tệ về hậu quả của việc đốt nhiên liệu hóa thạch đã rõ ràng từ nhiều năm nay. Nhiều quốc gia vẫn hứa hẹn làm hạn chế sự nóng lên của Trái đất.
Tuy nhiên, vấn đề khúc mắc ở đây là các quốc gia vẫn chưa thể cùng nhau cắt giảm lượng khí thải nhà kính. Nhiều quốc gia sản xuất công nghiệp vẫn còn phụ thuộc nhiều nhiên liệu hóa thạch.