Dự báo diễn biến thời tiết đáng chú ý trong một tháng tới
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia đã đưa ra dự báo xu thế thời tiết trong vòng một tháng tới (từ ngày 12.1.2022 đến ngày 11.2.2022).
Không khí lạnh tăng cường liên tục
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, trong 10 ngày đầu của thời kỳ dự báo, dao động MJO ít tác động đến thời tiết các tỉnh phía nam Việt Nam.
MJO là một dao động nội mùa trong khu vực nhiệt đới, ảnh hưởng đến nhiều yếu tố thời tiết như lượng mây bao phủ, lượng mưa, tốc độ và hướng gió, nhiệt độ mặt nước biển.
Các nghiên cứu cho thấy, dao động không chỉ hoạt động và ảnh hưởng đối với riêng khu vực nhiệt đới mà còn cả ở khu vực ngoại nhiệt đới.
Cụ thể, thời tiết giai đoạn từ ngày 12.1 - 20.1: Ngoài đợt gió mùa đông bắc trong ngày 11.1 - 12.1, Bắc Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng đợt gió mùa đông bắc trong ngày 17.1. Sau đó không khí lạnh được tăng cường thêm trong ngày 20.1 nên khu vực Bắc Bộ có mưa.
Riêng từ đêm 15.1 - 18.1, khu vực Tây Bắc và Việt Bắc có khả năng chịu tác động kết hợp của rãnh thấp trong đới gió tây trên cao nên sẽ mưa rào và rải rác có dông với lượng mưa phổ biến từ 30 - 60mm, có nơi cao hơn. Bắc Bộ trong 10 ngày tới duy trì ngưỡng nhiệt trời rét; vùng núi có nơi rét đậm.
Riêng các ngày 17 - 18.1 vùng núi có rét đậm, có nơi rét hại. Khu vực Trung Bộ do tác động của không khí lạnh nên từ ngày 11 - 13.1 và 18 - 21.1 có khả năng xuất hiện mưa rào rải rác và có nơi có dông, tập trung chính ở khu vực trung Trung Bộ. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến ít mưa, ngày nắng.
Thời kỳ 11 ngày cuối tháng 1 (từ ngày 21 - 31.1.2022), nhiệt độ trung bình tại Bắc Bộ và Trung Bộ phổ biến cao hơn khoảng 0,5 - 1 độ C, các nơi khác cao hơn khoảng 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm. Tổng lượng mưa tại Bắc Bộ phổ biến dưới 15mm, vùng núi phía bắc 15 - 30mm. Lượng mưa ở bắc Trung Bộ phổ biến dưới 15mm, trung và nam Trung Bộ từ 20-40mm, có nơi cao hơn.
Thời kì từ ngày 1.2 - 10.2, nhiệt độ trên cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; riêng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế cao hơn từ 0,5 - 1,0 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Tổng lượng mưa ở Bắc Bộ phổ biến từ 40 - 70mm, riêng khu vực vùng núi phía bắc có nơi cao hơn; khu vực bắc và nam Trung Bộ phổ biến 30 - 60mm; khu vực trung Trung Bộ phổ biến từ 50 - 110mm; khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ ít mưa hơn phổ biến từ 5 - 15mm.
Ít khả năng xuất hiện bão trong các tháng đầu năm
Ông Nguyễn Đức Hoà, Phó Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định những hiện tượng thiên tai cực đoan hiếm xảy ra trong mùa đông năm nay. Tuy nhiên trong thời gian từ cuối tháng 1.2022 đến tháng 2.2022 vẫn có khả năng xuất hiện sương muối, băng giá, rét đậm rét hại ở vùng núi cao do tác động của các đợt không khí lạnh mạnh.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cũng nhận định từ 12.1 - 10.2 ít có khả năng xuất hiện bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông. Tuy nhiên cần đề phòng hoạt động của gió đông bắc trong thời kỳ 1 tháng tới, đặc biệt ở khu vực bắc và giữa Biển Đông.
Về tình hình thuỷ văn, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, đặc biệt nguồn nước tới các hồ chứa lớn trên thượng lưu lưu vực sông Hồng tiếp tục xảy ra trong tháng 1, tháng 2 năm 2022. Nguồn nước trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ thiếu hụt từ 20 - 30%, thiếu hụt nhiều trên lưu vực sông Đà, lưu vực sông Thao, hạ lưu sông Lô.
Trong tháng 1.2022, tháng 2 dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên giảm dần. Còn ở khu vực Nam Bộ xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không nghiêm trọng như mùa khô 2019-2020.