Dự báo ảnh hưởng của La Nina đến thời tiết, mùa bão 2025
La Nina yếu có khả năng chính thức hình thành vào đầu năm 2025, góp phần gia tăng cường độ và tần suất của bão và lốc xoáy.
Chuyên gia Jim Roemer của công ty dự báo thời tiết Best Weather cho hay, một lỗ thủng tầng ozone trên Bắc Cực có thể ảnh hưởng đến sự hình thành hoặc cường độ của La Nina gián tiếp thông qua tác động của nó lên sự lưu thông khí quyển và động lực tầng bình lưu.
Theo ông Roemer, hiện tại có nhiều dấu hiệu rõ ràng hơn cho thấy Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) sẽ chính thức công bố sự hình thành của La Nina trong vài tuần tới.
Sự kết hợp của các vùng nước lạnh hơn di chuyển về phía tây và chỉ số dao động Nam (SOI) dương là những yếu tố chính sẽ ảnh hưởng đến thời tiết trong vài tháng tới.
SOI dương đề cập đến áp suất thấp xung quanh Darwin (Australia) và áp suất thấp ở phía đông Thái Bình Dương gần Tahiti. Đây cũng là tín hiệu cho thấy La Nina cuối cùng cũng đang hình thành.
Trong năm 2024, Mỹ đã phải đối mặt với mùa bão và lốc xoáy "quá mức" và La Nina đang bùng phát được cho là nguyên nhân chính.
Thuật ngữ "quá mức" có vẻ cường điệu, nhưng thực ra đó là ngưỡng được xác định theo khí tượng. Và trong khi lốc xoáy và bão là những hiện tượng rất khác nhau, chúng có một điểm chung: kiểu thời tiết La Nina đang phát triển đã giúp tăng tần suất lốc xoáy và bão vào năm 2024 - ngay cả khi La Nina chưa diễn ra chính xác như các nhà khoa học mong đợi.
Mùa bão Đại Tây Dương năm 2024 tạo ra 18 cơn bão được đặt tên. Năm cơn bão tấn công 48 tiểu bang phía nam gồm bão Beryl, Debby, Francine, Helene và Milton. Ba cơn bão tấn công Florida.
Đối với lốc xoáy, từ tháng 1 đến tháng 11 đã có 1.762 báo cáo sơ bộ về lốc xoáy. Mức trung bình từ năm 1991-2020 trong cùng khung thời gian này là 1.187 cơn lốc xoáy trên toàn quốc.
La Nina là hiện tượng ngược lại với El Nino, cả hai giai đoạn của một kiểu thời tiết xen kẽ bắt đầu ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương. Trong trường hợp của La Nina, nhiệt độ nước mát hơn mức trung bình chiếm ưu thế ở phía Đông Thái Bình Dương. Sự mát mẻ đó làm lạnh không khí phía trên, khiến không khí chìm xuống và đẩy áp suất lên cao hơn, từ đó ảnh hưởng đến các đặc điểm thời tiết trong khí quyển và gây ra các hiệu ứng hạ lưu ở Bắc Mỹ và xa hơn nữa.
Có một mối liên hệ rõ ràng giữa La Nina và bão. Không khí chìm ở Thái Bình Dương bị chống lại bởi không khí bốc lên ở Đại Tây Dương. Chuyển động hướng lên đó khiến bão dễ hình thành hơn.
Dự báo mùa bão 2025 dưới tác động của La Nina cho thấy, hoạt động bão ở Đại Tây Dương và Tây Thái Bình Dương thường gia tăng mạnh mẽ.
Ở khu vực Đại Tây Dương, dưới điều kiện của La Nina, áp suất thấp ở Đại Tây Dương và áp suất cao ở Đông Thái Bình Dương tạo môi trường thuận lợi cho sự hình thành bão. Dự kiến, mùa bão năm 2025 có thể tiếp tục "siêu hoạt động" với 18-20 cơn bão được đặt tên, trong đó có khoảng 7-9 cơn bão lớn.
Trong khi đó, các cơn bão ở khu vực Tây Thái Bình Dương, bao gồm bão và áp thấp ở Biển Đông, được dự báo tăng khoảng 15-20% so với trung bình. Điều này có thể khiến Việt Nam đối mặt với nhiều cơn bão mạnh và bất thường trong năm 2025.