Chuyên gia nói gì về diễn biến đợt rét đậm ở miền Bắc và mưa lũ ở miền Trung?
Chiều 25/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Phú Yên về ứng phó với mưa lớn khu vực Trung Bộ; Công điện gửi UBND các tỉnh miền núi phía Bắc về chủ động ứng phó với rét.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng Phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh tương đối mạnh đang di chuyển về Việt Nam.
Từ ngày 26/11, phía Đông Bắc Bộ, Tây Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế xảy ra một đợt rét với nhiệt độ thấp nhất ở khu vực Bắc Bộ là từ 16 đến 18 độ, vùng núi có nơi từ 11 - 13 độ, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ.
Vào đêm 26/11, dự báo nhiệt độ tiếp tục giảm mạnh và từ ngày mai sẽ rét rõ rệt hơn. Tại Hà Nội, nhiệt độ ban ngày từ 20 - 22 độ C, trời âm u, có lúc mưa nhỏ, trời lạnh. Ban đêm từ 16 - 18 độ C, sáng sớm có mưa nhỏ, trời rét.
Điểm cao trên 1.500 m so với mực nước biển như Sa Pa (Lào Cai) từ ngày 27/11 trời rét hại, trung bình ngày dưới 13 độ C, sau đó ban đêm duy trì ngưỡng 8 - 11 độ C.
Đỉnh núi cao 3.143 m như Fansipan nhiều khả năng xuất hiện băng. Đây là đợt rét diện rộng đầu tiên ở khu vực Bắc Bộ trong mùa đông 2024-2025.
Ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, dự báo không khí lạnh trong tháng 12 - một trong những tháng chính đông, tần suất tác động của không khí lạnh mạnh hơn so với trung bình nhiều năm. Hiện tượng rét đậm rét hại có khả năng xuất hiện vào nửa cuối của tháng 12/2024.
Ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, từ ngày 26-28/11 đợt không khí lạnh từ ngày sẽ gây ra đợt mưa lớn diện rộng từ Nghệ An đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, trọng tâm mưa là Quảng Bình và Thừa Thiên Huế với tổng lượng mưa từ 200-300mm, khu vực Thừa Thiên Huế có thể xuất hiện điểm mưa trên 500mm.
Giai đoạn cuối của tháng 11 và 12, với tác động liên tục của không khí lạnh, Trung Bộ sẽ thường xuyên có mưa vừa, mưa to diện rộng.
Không khí lạnh tương tác với địa hình, cộng thêm với nhiễu động gió Đông nên trong tháng 12, Trung Bộ có khả năng vẫn còn những đợt mưa lớn gây lũ, trọng tâm là các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Tại khu vực từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng, ngày 26 - 27/11 có mưa vừa, mưa to, cục bộ mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 100 - 200mm, có nơi trên 300mm, riêng Thừa Thiên Huế từ 150 - 250mm, có nơi trên 500mm.
Từ ngày 26/11 đến đêm 27/11, Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng có mưa vừa, mưa to, cục bộ mưa rất to với lượng mưa từ 70 - 150mm, có nơi trên 300 mm. Bình Định, Phú Yên thời gian này cũng có mưa vừa, mưa to, cục bộ mưa rất to với lượng mưa từ 50 - 100 mm, có nơi trên 150 mm.
Trong ngày và đêm 28/11, dự báo khu vực từ Quảng Trị đến Phú Yên tiếp tục có mưa vừa, mưa to, cục bộ mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40-80mm, có nơi trên 100mm.
Nhằm ứng phó với mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Phú Yên; các bộ Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vân tải, Công thương, Thông tin và Truyền thông, theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời đến chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh.
Triển khai lực lượng rà soát các khu dân cư có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để sơ tán người dân đến nơi an toàn; tổ chức lực lượng bảo đảm giao thông, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; chủ động vận hành hồ chứa đảm bảo dung tích đón lũ theo quy định; bố trí lực lượng thường trực để điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.