Cảnh báo nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất tại các huyện ngoại thành
Theo dự báo, từ nay đến ngày 10/9, trên địa bàn Hà Nội sẽ tiếp tục có mưa khiến mực nước trên sông Bùi, sông Tích lên cao. Cùng với đó là nguy cơ ngập lụt và sạt lở đất tại nhiều huyện ngoại thành.
Bản tin mới nhất của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ nhận định, do ảnh hưởng của vùng áp thấp (suy yếu từ bão số 3) nên từ nay đến chiều tối 10/9, Hà Nội tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; lượng mưa phổ biến 50 - 100mm, có nơi cao hơn 150mm.
Đêm 10 và ngày 11/9, trên địa bàn thành phố tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực giữa Nam Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Kết hợp với lượng mưa lớn đã xảy ra trước đó, mực nước các sông Bùi, Tích đang lên rất nhanh.
Dự kiến đến 7 giờ ngày 9/9, mực nước trên sông Bùi ở mức 7,1m, trên báo động lũ cấp III là 0,1m; sông Tích là 8,2m, trên báo động lũ cấp III là 0,2m. Đến 13 giờ cung ngày, mực nước trên sông Bùi là 7,2m, trên báo động lũ cấp III là 0,2m; sông Tích là 8,2m, trên báo động lũ cấp III là 0,2m.
Dự báo, từ nay đến ngày 10/9, trên địa bàn Hà Nội sẽ tiếp tục có mưa khiến mực nước trên các sông lên cao, nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất tại các huyện ngoại thành |
Cơ quan khí tượng thuỷ văn cảnh báo, lũ các sông Bùi, Tích lên cao có khả năng gây ngập lụt, sạt lở đất ở vùng trũng, thấp và khu dân cư ven sông; nguy cơ mất an toàn đối với các tuyến đê thuộc các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất...
Bên cạnh nguy cơ ngập lụt, do ảnh hưởng của mưa lớn trong nhiều ngày, ở vùng núi các huyện: Sóc Sơn, Ba Vì, Quốc Oai có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, đặc biệt là các khu vực có địa hình dốc.
Trước diễn biến còn phức tạp, khó lường của thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức tiếp tục thực hiện nghiêm túc các lệnh báo động lũ.
Cùng với đó, các địa phương chủ động ứng trực, sẵn sàng triển khai kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm an toàn về người, giảm thiệt hại về tài sản, không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ...
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp và báo cáo kịp thời mọi diễn biến thiên tai, sự cố, các thiệt hại và công tác ứng phó, khắc phục theo quy định.