A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ủy ban Quản lý vốn cần được tăng quyền, tạo cơ chế

Hiện nay hàng loạt các dự án của tập đoàn và tổng công ty nhà nước đã nằm chờ phê duyệt hơn một năm nay tại Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN (CMSC). Gần đây là việc Tổng công ty Đường sắt đang muốn rời CMSC quay trở lại Bộ Giao thông - Vận tải… khiến nhiều ý kiến lo ngại cho sự thành công mô hình này.

Hành xử như cơ quan quản lý nhà nước

Khách quan nhìn nhận, CMSC mới ra đời hơn 1 năm nay. Còn Luật Đầu tư, Luật Ngân sách, Luật Quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh… đã được thực thi từ trước đó. Trong các luật này chưa giao quyền cho CMSC. Vì thế trong hàng loạt dự án nằm chờ ở CMSC, với một số dự án thì theo luật CMSC chưa được giao quyền. Nhưng với một số dự án, như bà Nguyễn Thị Phú Hà - Phó Chủ tịch Ủy ban này đã cho biết tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vừa qua: “CMSC chiếu theo quy định thì một số dự án không phù hợp, không hiệu quả, phải yêu cầu làm rõ. Có những doanh nghiệp, tập đoàn chưa quen cách triển khai của CMSC nhưng chúng tôi yêu cầu phải bảo toàn vốn, phải có hiệu quả. Khi không hiệu quả chúng tôi yêu cầu phải báo cáo”.

Bà Hà nói rằng 19 tập đoàn, tổng công ty bàn giao nguyên trạng về CMSC. Trong quá trình triển khai, CMSC nhận được 259 nhiệm vụ dở dang và một số nhiệm vụ mà các tập đoàn, tổng công ty triển khai và thông qua trước 2017 nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan chủ sở hữu triển khai. “Có dự án triển khai dở dang 10 năm, 20 năm, việc chuyển giao hồ sơ về CMSC, cơ quan này nhận thấy còn nhiều dự án chưa đầy đủ. Với mỗi dự án, CMSC yêu cầu triển khai theo đúng trình tự thủ tục, pháp luật chung và pháp luật chuyên ngành”, bà Hà nói.

Ảnh minh họa

Quan sát hoạt động của CMSC hơn một năm qua, TS.Nguyễn Đình Cung - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, các dự án của những doanh nghiệp thuộc CMSC bị đình trệ, ách tắc do cơ quan này đã không làm đúng bản chất của mình lúc mới thành lập, là do sự nhập nhằng trong chuyển đổi sang kinh tế thị trường.

“CMSC là cơ quan chủ sở hữu và phải là một tổ chức đầu tư, không phải là cơ quan quản lý nhà nước”, ông Cung nhấn mạnh. Nhưng CMSC đang tư duy và hành động như cơ quan quản lý nhà nước. Không hài lòng với sự giải thích của bà Hà, ông Cung cho rằng, “nếu chỉ chiểu theo quy định mà biết được dự án hiệu quả hay không thì “siêu” thật”. Hơn nữa họ lại không chỉ ra được là quy định nào.

Cho rằng CMSC phải tách chức năng của chủ sở hữu với chức năng của người kinh doanh, ông Cung nhấn mạnh: “Là người đại diện cho sở hữu vốn nhà nước, CMSC chỉ phê duyệt chủ trương đầu tư và giao mục tiêu để doanh nghiệp thực hiện. Các mục tiêu như tỷ lệ sinh lời, hệ số tài chính, cải thiện năng lực công nghệ, năng lực cạnh tranh… Còn đầu tư, kinh doanh thế nào là việc của doanh nghiệp”.

Ông Nguyễn Đức Trung - Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp của CIEM cũng thấy CMSC đang rất rối, rất vướng và rất mắc. Trước hết chính là do CMSC không phải cơ quan quản lý nhà nước nhưng đang hành động như cơ quan quản lý nhà nước.

Cả ông Cung và ông Trung cùng có chung quan điểm: CMSC là đại diện chủ sở hữu, là người quản lý vốn nhà nước, là nhà đầu tư chứ không phải cấp trên của doanh nghiệp.

Không lo thiếu người giỏi, chỉ thiếu cơ chế

Mặc dù vậy, TS. Nguyễn Đình Cung cũng rất chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc mà CMSC đang phải đối diện. Trước hết là đến nay CMSC vẫn rất thiếu người. Theo ông, phải có cơ chế cho CMSC; muốn CMSC hoạt động như một tổ chức kinh doanh chứ không phải là cơ quan quản lý nhà nước thì việc tuyển dụng cũng phải khác, không thể tuyển dụng như tuyển công chức nhà nước, có như thế mới thu hút được người kinh doanh chuyên nghiệp, thu hút được người giỏi có kiến thức chuyên môn sâu về các lĩnh vực mà 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước này đang hoạt động.

Nhiều chuyên gia như ông Cung và ông Trung cũng cho rằng, CMSC đang hoạt động không đúng với mục tiêu thành lập và trong hoạt động thì “có chuyên trách nhưng không chuyên nghiệp”. Để tháo gỡ vướng mắc của CMSC, thì phải sửa đổi hệ thống văn bản liên quan đến các ngành, liên quan đến quản lý vốn nhà nước trong doanh nghiệp, để CMSC hoạt động như một người quản lý vốn nhà nước chuyên nghiệp. Theo đó cần giao đủ quyền, giao đúng chức năng và nhiệm vụ cho CMSC bằng việc cần khẩn trương ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của CMSC, nhưng sửa với tư duy CMSC không phải là một cơ quan quản lý nhà nước, mà là một nhà đầu tư.

Đồng thời phải có cơ chế cho cơ quan này. Đó là cơ chế tuyển dụng và cơ chế tài chính, cơ chế lương đặc thù để tuyển dụng được những người chuyên nghiệp. “CMSC không lo thiếu người giỏi, chỉ thiếu cơ chế”, ông Cung nói.

Trở lại với việc Thủ tướng chuyển nhiệm vụ xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ từ Bộ Công thương về CMSC. Liệu cơ quan này có kham nổi? TS.Nguyễn Đình Cung nói rằng: Thủ tướng đã giao đúng việc. Đây là việc khó khăn, phức tạp, là nhiệm vụ nặng nề nhưng CMSC phải làm được. Có người giỏi thì việc khó cũng xong.

Ủy ban Quản lý vốn không thể là cơ quan quan liêu kiểu cũ, không thể là cấp hành chính tạo gánh nặng, gây khó khăn cho doanh nghiệp mà phải tạo thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước, chú ý nhân lực có đức, có tài cho các tập đoàn, tổng công ty.

Phát biểu của Thủ tướng tại Hội nghị tổng kết của SMSC ngày 16/01/2020

Tri Nhân

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan