A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thúc đẩy metro bằng vốn tư nhân và cơ chế mở

Làn sóng doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước mạnh mẽ đề xuất đầu tư vào các tuyến metro của TPHCM đang mang đến tín hiệu tích cực: Nếu Nhà nước mở cửa đúng lúc, mở cơ chế đúng chỗ, khu vực tư nhân sẽ không chỉ nhập cuộc mà còn dẫn dắt những thay đổi lớn.

Việc các tập đoàn như Đèo Cả, Thaco, Hòa Phát, Sovico hay Vingroup… sẵn sàng rót hàng tỉ USD vào hạ tầng giao thông công cộng là minh chứng cho niềm tin ngày càng lớn của khối tư nhân vào khả năng được đối xử công bằng, minh bạch và hiệu quả khi tham gia những lĩnh vực trước đây vốn được xem là “đặc thù nhà nước”.

Trên hết, đó là phản hồi tích cực trước hai nghị quyết quan trọng: Nghị quyết 188 của Quốc hội, mở cơ chế thí điểm cho phát triển metro tại Hà Nội và TPHCM và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Hạ tầng đô thị là lĩnh vực cần vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi dài, độ rủi ro cao. Trong nhiều năm, các dự án metro ở Việt Nam gần như phụ thuộc vào vốn ODA, thủ tục rườm rà và tiến độ ì ạch.

Việc TPHCM chủ động thí điểm chỉ định thầu, rút gọn thủ tục, triển khai mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD)… đã tạo nên một bước ngoặt: Tư nhân không còn đứng ngoài chờ mời gọi, mà chủ động đề xuất, thậm chí cạnh tranh nhau để được đầu tư.

Điều đó không chỉ giúp Nhà nước tiết kiệm ngân sách, mà còn góp phần thay đổi căn bản văn hóa đầu tư công, từ chỗ “dựa dẫm” vào nguồn vốn trung ương hoặc quốc tế, sang chủ động huy động sức mạnh trong nước - nơi có các doanh nghiệp lớn, có năng lực tài chính, kinh nghiệm và quyết tâm làm thật, làm nhanh.

Tư nhân đầu tư vào metro cũng đồng nghĩa với việc có thêm sự giám sát tự thân. Như Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được nói: “Khi doanh nghiệp bỏ tiền túi ra đầu tư thì họ sẽ làm chặt chẽ, kỹ lưỡng hơn”.

Họ phải đảm bảo tiến độ để thu hồi vốn, giữ uy tín để tồn tại lâu dài và nhất là tạo giá trị thật để phát triển bền vững. Tư nhân làm metro không chỉ vì lợi nhuận, mà còn vì thương hiệu, vì niềm tin mà thị trường đặt vào họ.

Sự tham gia sâu hơn của tư nhân vào phát triển hạ tầng còn kéo theo nhiều giá trị gia tăng khi tạo việc làm, thúc đẩy công nghiệp phụ trợ, chuyển giao công nghệ xây dựng hiện đại và từng bước hình thành hệ sinh thái dịch vụ - thương mại - logistics quanh các tuyến metro theo mô hình TOD.

Thành công của TPHCM trong việc thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư metro có thể trở thành hình mẫu cho các địa phương khác, không chỉ trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng. Và điều này cần sớm trở thành chiến lược lâu dài, nhất quán, để tư nhân không còn là người làm thuê theo hợp đồng, mà là "đối tác chiến lược" cùng Nhà nước xây dựng những trục phát triển mới cho đất nước.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết