A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với công nhân

Sáng 12/6, tại Bắc Giang, hơn 4.500 công nhân lao động đã có dịp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất những vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống với người đứng đầu Chính phủ trong cuộc gặp gỡ, đối thoại có chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”.

Chương trình gặp gỡ, đối thoại diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố và Tổng Liên đoàn Lao động. Cùng dự buổi đối thoại có đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành và lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế, hiệp hội ngành nghề… Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN tham dự.

thu tuong chinh phu pham minh chinh doi thoai voi cong nhan
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Chương trình đối thoại

10 nhóm vấn đề gửi đến Thủ tướng Chính phủ

Chương trình đối thoại với công nhân là hoạt động tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội đối với công nhân lao động; tiếp tục triển khai chương trình Công đoàn đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển bền vững đất nước, chăm lo đời sống, việc làm cho đoàn viên, người lao động. Đồng thời, khẳng định quyết tâm, khát vọng của công nhân lao động tích cực thi đua lao động sáng tạo, nâng cao năng suất, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết để chuẩn bị cho chương trình, ngày 16/5, Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các cấp công đoàn, các cơ quan báo chí công đoàn mở diễn đàn, tổ chức nghiên cứu, nắm bắt, tổng hợp kiến nghị, ý tưởng, đề xuất của công nhân lao động với Đảng, Nhà nước. Đến nay, cơ quan chức năng đã nhận được gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị của công nhân lao động tập trung vào 10 nhóm vấn đề.

Cụ thể là: Đề nghị tăng lương tối thiểu; sửa đổi chính sách bảo hiểm theo hướng tạo được niềm tin lâu dài để người lao động gắn bó với bảo hiểm xã hội (BHXH), hạn chế tình trạng rút BHXH 1 lần. Nhóm vấn đề thứ ba là chỉ đạo đôn đốc giải quyết các chính sách, trong đó có 3 nội dung chính là người lao động chưa được hưởng chính sách hỗ trợ khi bị ảnh hưởng do COVID-19; hỗ trợ các em học sinh mầm non là con công nhân lao động ở các khu công nghiệp (KCN) theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP; hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nhóm vấn đề được công nhân quan tâm và đặt nhiều câu hỏi nhất là nhu cầu bức thiết về nhà ở, trường học và các thiết chế công đoàn hỗ trợ đời sống công nhân.

Bên cạnh đó, người lao động cũng bày tỏ nguyện vọng về các vấn đề hỗ trợ tín dụng cho công nhân, khi có tín dụng tốt sẽ hạn chế được tình trạng mắc bẫy “tín dụng đen”; vấn đề học nghề, đào tạo nghề và mong muốn được học nghề rất lớn trong công nhân lao động; xử lý doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động như không ký hợp đồng lao động, nợ lương, nợ BHXH; giá nhà trọ, giá nước, tăng giá sách, học phí…

thu tuong chinh phu pham minh chinh doi thoai voi cong nhan

Luôn lắng nghe, thấu hiểu ý kiến người lao động

Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ nhắc lại mục tiêu, lý tưởng của Đảng ta và của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong suốt chặng đường cách mạng, mục tiêu cao nhất đất nước ta được độc lập, nhân dân ta được tự do, được ấm no và hạnh phúc, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chúng ta luôn xác định rõ quyền con người, xác định con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển, trong đó có công nhân. Luôn lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng các ý kiến của người lao động, trên cơ sở đó hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật. 

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, đây là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, các chủ thể có liên quan. Trong 2 năm qua, do tình hình COVID-19, không có nhiều điều kiện để tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp, nhưng các cấp, các ngành, các cơ quan đã có nhiều hình thức để gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại với công nhân lao động. Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm, chăm lo, đồng hành để tìm giải pháp khắc phục những hậu quả, tác động của dịch bệnh COVID-19 tới đời sống và công việc của công nhân, giải quyết vấn đề thể chế, cơ chế, chính sách để bảo đảm quyền lợi của người lao động. 

Thủ tướng cũng bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông đối với những mất mát, nhọc nhằn, khó khăn, vất vả mà anh chị em công nhân, người lao động phải chịu đựng trong hơn 2 năm qua do dịch COVID-19. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu và sẽ nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất để anh chị em sớm vượt qua những khó khăn, trở lại lao động, làm việc, ổn định đời sống. 

“Phải nói đời sống nhiều công nhân còn rất vất vả. Tôi vừa đi thăm khu nhà trọ công nhân tại Bắc Giang và thời gian qua cũng đã đi nhiều nơi để gặp gỡ, tìm hiểu đời sống công nhân. Chúng ta cùng đối thoại để tìm ra giải pháp phù hợp điều kiện, hoàn cảnh đất nước ta, phù hợp với nguyện vọng anh chị em cong nhân và phù hợp với tình hình thực tiễn”, Thủ tướng nói. 

Thủ tướng cũng thông báo trong sáng nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Trước khi đối thoại với công nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm nơi ở và tặng quà công nhân khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Quỳnh Trang


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan