Thu hồi tài sản ở các vụ án kinh tế, tham nhũng: Không để “hy sinh đời bố, củng cố đời con”
Với những vụ án kinh tế, tham nhũng, đòi hỏi Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cần phối hợp với một số cơ quan hữu quan để bảo đảm thu hồi nhiều nhất tài sản, tiền ở các vụ án này,...
Đánh giá về lĩnh vực toà án, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, đối với công tác của tòa án trong thời gian qua dù số lượng các loại vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều và có tính chất ngày càng phức tạp, nhưng hệ thống Tòa án nhân dân đã chủ động triển khai thực hiện tốt 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử.
Xét xử đúng tiến độ các vụ án
Quá trình giải quyết những vụ án kinh tế, tham nhũng, các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước. “Khi xét xử, Tòa án đã chú trọng tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với các bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng”, đại biểu Phạm Văn Hoà nói.
Tuy nhiên, trong báo cáo của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao gửi tới các đại biểu Quốc hội cũng nêu rõ, tỷ lệ án hành chính bị hủy, sửa còn cao. Theo đại biểu Phạm Văn Hoà, hạn chế này xảy ra một phần nguyên nhân chủ quan từ thẩm phán, nhân lực ngành tòa án thiếu, một phần do một số cán bộ thẩm phán, thư ký trình độ có, song năng lực có hạn chế.
Từ đó, đại biểu Phạm Văn Hoà kiến nghị Chánh án cần có giải pháp, chỉ đạo ngành đưa ra xét xử đúng tiến độ các vụ án, tránh để xảy ra hạn chế nêu trên, nhất là với các vụ án hành chính, dân sự vì sẽ gây tốn kém cho người dân. Từng cấp tòa án xét xử công khai, minh bạch, công tâm, khách quan và thực sự đúng chuyên môn, nghiệp vụ, thì tình hình án hủy, sửa hay chậm xét xử sẽ được hạn chế ở mức thấp nhất.
Trong thời gian qua, cử tri, người dân đánh giá cao công tác xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp được điều tra, truy tố, xét xử thành công đã góp phần cảnh tỉnh, răn đe, tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, việc thu hồi tiền, tài sản của các bị cáo ở những vụ án này đang đặt ra đòi hỏi Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cần phối hợp với một số cơ quan hữu quan như các Bộ Tư pháp, Công an, Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao như thế nào để bảo đảm thu hồi nhiều tài sản, tiền ở các vụ án này, tránh tình trạng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”.
Quan tâm tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án hành chính
Ngoài ra, trong thực tế đã có một số lúng túng với bản án khi được thi hành phải tiến hành phá dỡ nhà ở, công trình trên đất để giao đất cho người được thi hành án. Bởi, đã có trường hợp sau khi bản án này được thi hành, người bị thi hành án kháng án, khiếu nại lên tòa án cấp cao để xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm lại và có những bản án ngược với kết quả ở xét xử phúc thẩm.
Lúc này, người được thi hành án thường đã đưa mảnh đất đó đi bán, thế chấp vay vốn ở ngân hàng, khi đó sẽ xử lý hậu quả như thế nào? “Chánh án cần giải trình, chia sẻ giải pháp đối với những vụ án này. Vấn đề này cũng sẽ được tôi gửi câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp”, đại biểu Phạm Văn Hoà bày tỏ.
Trong đó, ấn tượng nhất là Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp đã giữ nghiêm quyền công tố, phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, vụ án, đề nghị truy tố bị can, nhất là truy tố bị can trong các đại án tham nhũng, kinh tế lớn thời gian qua. Cử tri tán đồng, hoan nghênh các kết quả này.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng cần quan tâm đến tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án hành chính, kháng nghị giám đốc thẩm án dân sự chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội. Nguyên nhân chính của tình trạng này ở đâu, giải pháp khắc phục trong thời gian tới như thế nào?
Quy định pháp luật về bảo vệ quyền con người ngày càng cao, đòi hỏi hạn chế bồi thường Nhà nước trong xét xử cũng đang được đặt ra. Với vai trò thực hiện quyền công tố, Viện trưởng có giải pháp nào để hạn chế thấp nhất xảy ra trường hợp Toà án trả hồ sơ để yêu cầu khởi tố tội phạm mới và người phạm tội mới; bị can phải đình chỉ do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, có trường hợp Viện kiểm sát phải rút quyết định truy tố.