Tạo cơ chế mới thúc đẩy hoạt động dầu khí
Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam TS. Nguyễn Quốc Thập nhận định, các Luật mới ra đời sau 2008 như Luật Đầu tư, Luật quản lý và sử dụng vốn của doanh nghiệp Nhà nước có xung đột và có cả khoảng trống với Luật Dầu khí. Cùng với sự suy giảm về sản lượng khai thác thực tế cho thấy, rất cần phải điều chỉnh, sửa đổi Luật Dầu khí.
Các điều khoản không còn đủ hấp dẫn
Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam TS. Nguyễn Quốc Thập cho biết, từ khi có Luật Dầu khí 1993, nước ta đã đẩy mạnh được hoạt động đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí, tiếp tục thu hút được đầu tư nước ngoài để gia tăng sản lượng khai thác. Ở vào đỉnh cao của hoạt động khai thác dầu khí vào khoảng năm 2014, đã khai thác khoảng 27 - 28 triệu tấn dầu quy đổi mỗi năm. Tuy nhiên, đến hôm nay, chỉ còn khoảng 17 - 18 triệu tấn dầu khí quy đổi, thấp hơn so với giai đoạn đỉnh cao đến 10 triệu tấn.
“Từ năm 2015 đến nay, số lượng hợp đồng dầu khí ký kết đếm trên đầu ngón tay, hay có thể nói là hầu như không ký kết được các hợp đồng dầu khí mới. Một trong những nguyên nhân chính là các điều khoản không còn đủ hấp dẫn trong điều kiện mới đã có nhiều thay đổi” - TS. Nguyễn Quốc Thập nhấn mạnh.
Một điều nữa dễ dàng nhận thấy là các Bộ luật mới ra đời sau năm 2008 có xung đột với Luật Dầu khí. Những bất cập đó cho thấy, cần phải điều chỉnh, sửa đổi Luật Dầu khí. Theo đó, Dự thảo Luật đến nay đã trên 10 lần chỉnh sửa, đã có rất nhiều cuộc họp, hội thảo, rất nhiều ý kiến quan trọng.
Tuy nhiên, ở góc độ của những người chứng kiến hoạt động dầu khí từ trước khi Luật Dầu khí ra đời. TS. Nguyễn Quốc Thập cho biết, vẫn còn có một số băn khoăn và mong muốn tiếp tục có những tiếp thu, chỉnh lý từ Ban soạn thảo để có được sản phẩm đáp ứng được kỳ vọng đặt ra.
Kỳ vọng tạo nên bước chuyển lớn
Về những điều cần tiếp tục xem xét, chỉnh sửa trong Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), TS. Nguyễn Quốc Thập chia sẻ mong muốn có hợp đồng dầu khí bằng tiếng Anh kể cả khi hợp đồng được ký kết bởi các đơn vị trong nước vì mục tiêu là thu hút nhà đầu tư nước ngoài họ vào để cùng chia sẻ rủi ro, nguồn lực. Như vậy, nếu ký kết hợp đồng bằng tiếng Anh sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Điều cần quan tâm tiếp theo là chính sách ưu đãi, nên bổ sung chính sách ưu đãi trong Điều 47 thêm một ý là chính sách ưu đãi đối với các lô mỏ được thực hiện thông qua hợp đồng dầu khí và bổ sung thêm là với hợp đồng dầu khí sửa đổi. Như vậy, sẽ tăng sức thu hút nhà đầu tư, bởi khi có rủi ro vẫn có cơ hội để phát triển, mà phát triển được sẽ có lợi cho cả nhà đầu tư và chủ nhà.
Đối với lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, TS. Nguyễn Quốc Thập kiến nghị, giữ lại theo Điều 26 của Luật Dầu khí cũ. Vì hoạt động dầu khí có đặc thù, các hoạt động dầu khí là sử dụng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài hoặc là sử dụng vốn hỗn hợp của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Đồng thời, mong muốn tới đây, trong nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Dầu khí sửa đổi, các tình huống đặc biệt trong dầu khí sẽ được đưa vào mục này, tức là vẫn giữ nguyên Điều 26 Luật cũ và kèm theo đó là hướng dẫn trường hợp đặc biệt.
Về phần đầu tư, hiện nay các dự án trong Luật đề cập khá nhiều về khai thác các hợp đồng dầu khí và vấn đề khai thác tận thu, khai thác vét, nhưng chưa đề cập đến hoạt động đầu tư bổ sung trên các dự án này. Ở những mỏ/dự án này, nếu đầu tư hoặc thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư bổ sung vào thì có cơ hội tận dụng hạ tầng sẵn có và phát triển khai thác sẽ có lợi và nhà đầu tư cũng có lợi. Vì vậy, nên có quy định việc đầu tư bổ sung vào Luật, để có cơ hội thu thuế từ hoạt động đầu tư bổ sung này.
Một điểm nữa là trong quyền và trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và cơ quan chủ sở hữu hiện nay. Trong Dự thảo Luật mới chỉ đề cập đến quyền tham gia, quyền ưu tiên mua lại. TS. Nguyễn Quốc Thập cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung phần chuyển nhượng, vì hoạt động mua bán, chuyển nhượng là thường diễn ra. Cùng với đó, nên phân cấp cho Petrovietnam phê duyệt ODP để công việc được thuận lợi với những dự án phát triển thông thường, còn với những dự án theo chuỗi thì vẫn là Thủ tướng phê duyệt.