Tân Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là ai?
Ông Hoàng Gia Khánh vừa được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Trước đó, ông là Phó tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành của VNR.
Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa ký quyết định bổ nhiệm ông Hoàng Gia Khánh giữ chức vụ Tổng giám đốc VNR với thời hạn 5 năm. Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng đã có văn bản đồng thuận với đề nghị của VNR về việc bổ nhiệm này.
Theo đó, Hội đồng thành viên VNR đã thống nhất quyết định bổ nhiệm ông Hoàng Gia Khánh, Thành viên Hội đồng thành viên, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành VNR giữ chức vụ tổng giám đốc kể từ ngày 13/10/2023.
Được biết, ông Hoàng Gia Khánh sinh năm 1975 tại Thanh Hóa, là thạc sĩ tổ chức và quản lý vận tải. Trước khi được bổ nhiệm Tổng giám đốc VNR, ông Hoàng Gia Khánh đã có nhiều năm công tác tại Công ty cổ phần Đường sắt Thanh Hóa, từng đảm nhiệm qua các chức vụ như giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Thanh Hóa, phó tổng giám đốc VNR.
Như vậy, đến thời điểm này, VNR đã hoàn tất quá trình kiện toàn bộ máy nhân sự cấp cao với việc lần lượt có Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc.
Trước đó, vào đầu tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định bổ nhiệm ông Đặng Sỹ Mạnh, Thành viên HĐTV, Tổng giám đốc Tổng công ty giữ chức Chủ tịch HĐTV VNR. Sau khi ông Đặng Sỹ Mạnh được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên, Phó Tổng giám đốc Hoàng Gia Khánh được giao phụ trách Ban điều hành VNR.
Liên quan đến tình hình kinh doanh, sau 2 năm 2020 - 2021 khó khăn do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, kết quả kinh doanh của VNR đã ghi nhận sự phục hồi đáng kể trong năm 2022.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, VNR đạt 8.043 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng 21,2% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu vận tải hàng hóa và hành khách đạt 3.863 tỷ đồng, tăng 78,8%, đóng góp 48% vào cơ cấu doanh thu hợp nhất; doanh thu dịch vụ sửa chữa thường xuyên kết cấu hạ tầng, thông tin tín hiệu đường sắt đạt 2.749 tỷ đồng, tăng 18,9%.
Sự phục hồi của mảng vận tải hàng hóa và hành khách góp phần giúp biên lợi nhuận gộp hợp nhất của VNR đạt 8,45% trong năm 2022, tăng 6,65 điểm phần trăm so với năm 2021 và giúp lợi nhuận gộp thu về 679,5 tỷ đồng, gấp 5,7 lần kết quả thực hiện năm 2021.
VNR cho biết trong năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty tăng trưởng cả ở mảng vận tải hàng hóa và vận tải hành khách. Cụ thể, có 4,52 triệu lượt hành khách lên tàu, bằng 310,7% năm 2021; vận chuyển hàng hoá đạt 5,7 triệu tấn, bằng 100,8% năm 2021.
Mặc dù vậy, các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý đều tăng mạnh trong năm 2022 (chi phí nhân viên bán hàng 124,9 tỷ đồng, tăng 27,3%; chi phí nhân viên quản lý 292,85 tỷ đồng, tăng 22,1%) khiến VNR báo lỗ sau thuế 111,9 tỷ đồng (trong đó công ty mẹ lỗ sau thuế 146,2 tỷ đồng). Tuy nhiên, con số này đã giảm gần 81% so với năm 2021.