A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

OPEC+ giảm sâu sản lượng dầu, Mỹ chỉ trích ‘thiển cận’

Tại cuộc họp ở Vienna (Áo) hôm 5/10, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) đã quyết định cắt giảm mạnh sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày (bpd) kể từ tháng 11. Mỹ đánh giá động thái này là "thiển cận" trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối phó với tác động tiêu cực kéo dài của chiến sự Ukraine.

Nhà lãnh đạo trên thực tế của OPEC là Arab Saudi cho biết việc cắt giảm sản lượng tương đương 2% nguồn cung toàn cầu là cần thiết để đối phó với việc phương Tây tăng lãi suất và nền kinh tế toàn cầu suy yếu hơn.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp năng lượng cũng đã kỳ vọng OPEC+, bao gồm Arab Saudi và Nga, sẽ áp đặt cắt giảm sản lượng trong khoảng từ 500.000 - 2 triệu thùng.

Tại cuộc họp ở Vienna, đại diện Arab Saudi cũng bác bỏ những lời chỉ trích thông đồng với Nga, nước nằm trong nhóm OPEC+, để đẩy giá dầu lên cao hơn.

Phản ứng trước động thái này của OPEC+, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp tục đánh giá xem có nên giải phóng thêm các kho dự trữ dầu chiến lược để hạ giá hay không.

Phát ngôn viên của Nhà Trắng cho hay: “Tổng thống thất vọng trước quyết định thiển cận của OPEC+ trong việc cắt giảm hạn ngạch sản xuất trong khi nền kinh tế toàn cầu đang đối phó với tác động tiêu cực kéo dài của chiến sự Ukraine”.

Động thái mới nhất của OPEC thể hiện sự đảo ngược lớn trong chính sách sản xuất của liên minh dầu mỏ, vốn đã cắt giảm sản lượng kỷ lục 10 triệu thùng/ngày vào đầu năm 2020 khi nhu cầu giảm mạnh do đại dịch Covid-19.

Giá dầu đã giảm xuống khoảng 80 USD/thùng từ hơn 120 USD vào đầu tháng 6 trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về triển vọng suy thoái kinh tế toàn cầu.

Việc cắt giảm sản lượng cho tháng 11 là một nỗ lực để đảo ngược đà trượt này, bất chấp áp lực lặp đi lặp lại từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi OPEC+ bơm thêm dầu để giảm giá nhiên liệu trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới.

Sau khi tin tức về việc OPEC+ giảm sản lượng được đưa ra, dầu thô Brent tăng 1,57 USD, tương đương 1,7%, lên 93,37 USD/thùng. Dầu Brent đạt mức cao nhất trong phiên là 93,96 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 15/9.

Dầu thô US West Texas Intermediate (WTI) tăng 1,24 USD, tương đương 1,4%, lên 87,76 USD/thùng, đạt 88,42 USD/thùng trong phiên, mức cao nhất kể từ ngày 15/9.

OPEC+ dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp tiếp theo vào ngày 4/12.

Xem thêm >> Nga và Saudi Arabia tính cắt giảm mạnh sản lượng để nâng giá dầu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan