Những thành phố siêu thực như bước ra từ phim viễn tưởng sẽ được xây dựng trên toàn cầu
Khi sự sáng tạo và tiến bộ công nghệ dẫn đường, những siêu thành phố tưởng chừng chỉ tồn tại trên phim đã trở thành hiện thực.
Thành phố Net, Trung Quốc
Net - thành phố nổi được xây dựng tại Thẩm Quyến, Trung Quốc. Dự án được tập đoàn công nghệ Trung Quốc tiết lộ kế hoạch vào năm 2022, được quảng bá là một siêu đô thị không ô tô và có diện tích tích gần bằng Monaco.
Theo kế hoạch, "thành phố trong thành phố" này sẽ tạo không gian xanh cho người đi bộ và ưu tiên xe tự lái trên hơn 2 triệu mét vuông của khu phát triển đô thị dọc theo sông Pearl.
NBBJ, công ty Mỹ chịu trách nhiệm phát triển dự án cho biết đây không phải là hòn đảo được bảo mật và cô lập mà là một thành phố sôi động. "Mọi người đi qua và kết nối với nhau, và nó sẽ trở thành trung tâm quan trọng của Thâm Quyến".
Oceanix Busan, Hàn Quốc
Oceanix Busan là một thành phố nổi khác được chính phủ Hàn Quốc tạo ra nhằm giải quyết bài toán thiếu đất nghiêm trọng xung quanh thành phố Busan. Vấn đề này dự kiến sẽ trở nên cấp bách hơn trong tương lai khi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt.
Dự án Oceanix Busan dự kiến hoàn thành vào năm 2025 với sự hỗ trợ từ Liên Hợp Quốc, là một "nguyên mẫu" cho các sáng kiến tương tự trên toàn thế giới. Oceanix Busan được mô tả là "khu vực liên kết" mở rộng không gian cho thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc. Dự án bao gồm ba phân khu, cung cấp không gian cho khoảng 12.000 cư dân và du khách, dự kiến tương lai thành phố sẽ được mở rộng hơn.
Theo các nhà phát triển, thành phố nổi này dự kiến tạo ra 100% năng lượng cần thiết từ nguồn năng lượng của chính nó và thực hiện xử lý nước, tái chế tài nguyên, cung cấp nông nghiệp đô thị tại mỗi khu vực.
Thành phố Woven, Nhật Bản
Dự án thành phố Woven được phát triển bởi hãng sản xuất ô tô Toyota tại chân núi Phú Sỹ, Nhật Bản. Dự kiến, thành phố có khoảng 360 cư dân sinh sống ban đầu và sẽ tăng lên ít nhất 2.000 người trong tương lai.
Theo thông tin trên trang web của Toyota, số người này bao gồm nhân viên và nhà nghiên cứu của Toyota. Họ sẽ có cơ hội thử nghiệm và phát triển các công nghệ như trí tuệ nhân tạo trong một môi trường thực tế. Do vậy, Woven City được mô tả là "phòng thí nghiệm sống" cho các công nghệ mới.
Trong khi nhiều thành phố được tập trung vào thiết kế kim loại và kính của khoa học viễn tưởng, hầu hết các tòa nhà tại Woven City sẽ được xây dựng từ gỗ, sử dụng các kỹ thuật truyền thống được thực hiện bởi các robot công nghiệp.
Các siêu đô thị hiện đại đang nổi lên không chỉ là những ước mơ trong trí tưởng tượng mà còn là hiện thực đang dần hình thành trên khắp thế giới. Tận dụng các công nghệ tiên tiến và thiết kế môi trường sống bền vững, những thành phố này đại diện cho sự tiến bộ và sự hòa mình của con người với thiên nhiên.
The Line, siêu đô thị Neom, Saudi Arabia
Tại sa mạc của Ả Rập Saudi, chính phủ đang khởi công một dự án vô cùng tham vọng để xây dựng siêu đô thị Neom. Dự án này được đầu tư tổng cộng hơn 1.000 tỷ USD và dự kiến sẽ hoàn thành năm 2026.
Khi hoàn thành, khu dân cư mang tên "The Line" sẽ trải dài hơn 120km, bao gồm các tòa nhà chọc trời bằng kính, một con sông nhân tạo và một cảng nổi hình bát giác. Đáng chú ý, nơi đây còn sở hữu một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết nhân tạo.
Ý tưởng này được sáng tạo bởi Thái tử Mohammed bin Salman. Thậm chí, có những tin đồn cho rằng thành phố sẽ quy tụ robot và hệ thống trí tuệ nhân tạo để phục vụ nhu cầu của khoảng 9 triệu cư dân trong tương lai.
Nhiều người đã bày tỏ sự lo ngại về tính khả thi của dự án này. Điều này bắt nguồn từ khoản chi phí khổng lồ và những thách thức về hậu cần khi xây dựng đô thị xa hoa trên một trong những vùng đất khắc nghiệt nhất thế giới.
Thành phố nổi Maldives, Maldives
Quốc đảo Maldives đã tiến xa hơn Malaysia khi xây dựng một thành phố không chỉ nổi trên mặt nước mà còn tạo điều kiện cho sự phát triển của môi trường san hô dọc theo phần dưới của các khu vực.
Theo trang web của dự án, thành phố nổi Maldives được tạo ra dựa trên văn hóa địa phương của quốc gia biển cả. Người dân Maldives có mối quan hệ mạnh mẽ với biển, vì vậy việc sống trên nước phù hợp với văn hóa và lịch sử của họ.
Hình dạng của thành phố này cũng lấy cảm hứng từ cấu trúc của loài san hô não, phản ánh "mục tiêu sống hòa hợp với thiên nhiên và học cách cải thiện, tôn trọng sự tồn tại của san hô tự nhiên là trung tâm của quá trình phát triển".
Dự kiến, thành phố sẽ hoàn thành vào năm 2027 và có khả năng chứa đến 20.000 người sống trong 5.000 đơn vị mô-đun nổi.
Nusantara, Indonesia
Nằm trên bờ biển phía đông của đảo Borneo thuộc Indonesia, thành phố Nusantara dự kiến là thủ đô mới của Indonesia.
Theo các quan chức, có tới 75% diện tích đất sẽ được bảo tồn cho thiên nhiên, đây sẽ là thành phố trung hòa carbon đầu tiên ở Indonesia được trang bị cơ sở giáo dục và y tế đẳng cấp thế giới.
Siêu dự án trị giá 32 tỉ USD, quy mô khoảng 2.560 km2, do Tổng thống Joko Widodo khởi xướng từ năm 2019, được lên kế hoạch chia thành 5 giai đoạn xây dựng cho đến năm 2045. Giai đoạn đầu tiên bắt đầu vào năm 2022 và dự kiến hoàn thành vào tháng 8 năm 2024.
Tuy nhiên, một số người đã đặt ra câu hỏi về vấn đề tài chính phát triển dự án. Chính phủ Indonesia chỉ cam kết chi trả 20% chi phí, hy vọng tìm nguồn vốn còn lại từ các nhà đầu tư quốc tế. Điều này gây ra nhiều lo ngại về khả năng hoàn thành dự án trong tương lai.
BiodiverCity, Malaysia
Dự kiến khoảng 15.000 đến 18.000 cư dân sẽ di chuyển đến ba đảo nhân tạo ngoài khơi đảo Penang, Malaysia, sau khi các quần thể đô thị hoàn thành sau năm 2030.
Các biện pháp đã được tiến hành một cách cẩn trọng để bảo vệ đa dạng sinh học của khu vực ven biển và môi trường sống tự nhiên khác xung quanh các thành phố. Mỗi đảo được kết nối với nhau qua mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy và đường không, ưu tiên cho người đi xe đạp và người đi bộ.
"Đa dạng sinh học sẽ trở thành một điểm đến toàn cầu bền vững mới, nơi mà sự phát triển văn hóa, sinh thái và kinh tế được đảm bảo. Con người và thiên nhiên cùng tồn tại ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất trên hành tinh, tại phía nam đảo Penang", nhà phát triển BIG chia sẻ.
Việc xây dựng những công trình và hạ tầng thông minh không chỉ mang lại sự thuận tiện mà còn giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Đồng thời, những siêu đô thị này cũng là điểm sáng, tạo động lực cho con người hướng tới một tương lai tươi sáng, nơi con người và thiên nhiên sống hòa hợp và phát triển bền vững.