Nga vẫn ‘thắng đậm’ từ xuất khẩu dầu dù G7 nói việc áp giá trần ‘đang phát huy tác dụng’
Dù các nhà lãnh đạo của nhóm 7 nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) mới đây cho biết rằng việc áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga "đang phát huy tác dụng” nhưng trên thực tế lại không hẳn như vậy. Theo một báo cáo mới đây, doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã tăng trở lại vào tháng 3 và tháng 4, đạt mức cao nhất từ tháng 11 năm ngoái.
Tham vọng “siết” nguồn thu của Nga
Trong tuyên bố chung vào tháng 12 năm ngoái, các nước G7 cùng Australia thông báo triển khai áp giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga vận chuyển bằng đường biển, bắt đầu từ ngày 5/12/2022.
Liên minh châu Âu (EU) sau đó cũng hoàn tất phê chuẩn bằng văn bản về quyết định áp giá trần với dầu mỏ của Nga, với mức 60 USD/thùng do G7 đề xuất. Mức trần này được các nước phương Tây cho là phù hợp, hạn chế được nguồn thu ngân sách của Nga nhưng vẫn bảo đảm dầu mỏ của Nga lưu thông trên thị trường quốc tế.
Tới ngày 3/2/2023, EU, G7 và Australia đã đạt được thỏa thuận về mức giá trần 100 USD/thùng đối với các sản phẩm cao cấp như dầu diesel và 45 USD/thùng đối với các sản phẩm giá rẻ hơn như dầu nhiên liệu kể từ ngày 5/2.
Mới đây, phát biểu kết thúc hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima (Nhật Bản), các nhà lãnh đạo G7 cho hay, việc giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ và dầu mỏ của Nga "đang phát huy tác dụng" khi "doanh thu của Nga giảm và giá dầu, khí đốt giảm mang lại lợi ích cho các nước trên thế giới”.
Trong báo cáo tiến độ về việc áp trần giá dầu Nga vào tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ cho hay chính sách này đã đạt được cả hai mục tiêu: vừa hạn chế thu nhập từ dầu thô của Nga mã vẫn duy trì nguồn cung dầu thô của Nga.
Cụ thể, báo cáo cho hay trong khi xuất khẩu dầu thô của Nga tiếp tục tăng, đảm bảo sự ổn định của thị trường, thì giá dầu thô của Nga đã giảm đáng kể, “điều này cho phép các nước có thu nhập thấp và trung bình có thể mua dầu, đồng thời khiến Nga ngày càng khó khăn hơn trong cuộc xung đột Nga - Ukraine”.
Bộ này ước tính rằng doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã giảm xuống chỉ còn 23% ngân sách Nga trong năm nay, giảm từ 30% xuống 35% tổng ngân sách Nga trước khi Moscow phát động chiến dịch đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022.
Nga vẫn “bội thu” nhờ dầu mỏ
Trong báo cáo định kỳ hàng tháng công bố vào giữa tháng 5 vừa qua, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết xuất khẩu dầu và chế phẩm dầu mỏ của Nga tăng thêm 50.000 thùng, lên 8,3 triệu thùng/ngày trong tháng 4, cao hơn mức xuất khẩu trung bình 7,5 triệu thùng và 7,7 triệu thùng/ngày của Nga lần lượt trong năm 2021 và 2022.
Còn theo phân tích được công bố hôm 24/5 bởi Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), một tổ chức tư vấn độc lập của Phần Lan, thì cho thấy doanh thu từ thuế dầu mỏ của Nga đã tăng 6% trong tháng 4 và dự kiến mức tăng thậm chí còn lớn hơn vào tháng 5 này.
Điều đó có nghĩa là, sau khi chạm đáy vào đầu năm 2023, nguồn thu từ thuế dầu mỏ của Nga kể từ đó đã phục hồi, do doanh số bán hàng tăng lên.
Phân tích của CREA còn cho biết, kể từ lệnh cấm nhập khẩu của EU và mức trần giá G7 đối với dầu của Nga, Moscow đã kiếm được khoảng 58 tỷ euro (62,5 tỷ USD) doanh thu xuất khẩu từ dầu vận chuyển bằng đường biển.
Theo các nhà phân tích năng lượng tại CREA, sự thất bại của cái gọi là "liên minh trần giá" trong việc sửa đổi mức giá và thực thi chính sách đã dẫn đến các biện pháp "mất đi động lực, tính toàn vẹn và độ tin cậy".
"EU đã thất bại trong cam kết xem xét lại mức trần giá 2 tháng một lần để đảm bảo rằng nó luôn thấp hơn giá thị trường trung bình. Đây là một dấu hiệu rõ ràng rằng việc thực thi (các lệnh trừng phạt Nga) không hiệu quả”, ông Lauri Myllyvirta, trưởng nhóm phân tích tại CREA, cho hay.
Xem thêm >> Chuyển dữ liệu người dùng Facebook tại EU sang Mỹ, Meta lĩnh án phạt kỷ lục 1,3 tỷ USD