Mỹ, ASEAN và Biển Đông
Biển Đông vẫn có thể làm cho quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng hơn nếu các vấn đề không được giải quyết một cách ổn thỏa.
Chúng ta đã biết, trong thời gian vừa qua Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế để thực hiện ý đồ của mình, liên tục đẩy mạnh yêu sách bản đồ “đường lưỡi bò”. Thực hiện đúng ý đồ bành trướng, Trung Quốc tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa bao gồm cả huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của nước ta.
Với hàng lọat những họat động quân sự hóa phi pháp ở các đảo, đá ngoài Biển Đông, những tuyên bố chính trị mang bản chất chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa phát xít đặc sắc… Trung Quốc vốn không được bất kỳ quốc gia nào trên trường quốc tế ủng hộ.
Việc Trung Quốc đơn phương tranh chấp ở Biển Đông đã tác động tới cả một khu vực rộng lớn liên quan đến nhiều nước. Do đó cần tiến hành các cuộc đàm phán đa phương để tìm ra cách cách thức giải quyết tranh chấp là tốt nhất. Nếu các quốc gia Đông Nam Á cùng hợp tác để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông hy vọng sẽ có một bước chuyển biến.
Thực tế cho thấy, nhằm phòng ngừa các hành vi gây căng thẳng trên Biển Đông, ASEAN đã nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với những ràng buộc pháp lý đối với các bên tham gia, Tuy nhiên, tiến trình đàm phán COC đã được khởi động khá lâu (năm 2010), nhưng chưa mang lại kết quả.
Theo các nguồn tin ngoại giao, Trung Quốc có 3 đòi hỏi cơ bản đối với COC: Không dựa trên UNCLOS 1982; tập trận chung với những nước ngoài khu vực phải có sự đồng thuận trước của các bên tham gia COC; không được hợp tác với các nước ngoài khu vực để khai thác tài nguyên trên vùng biển này.
Dĩ nhiên, ASEAN không thể chấp nhận những đòi hỏi đó vì sẽ vô hiệu hóa phán quyết của tòa trọng tài về “đường chín đoạn” của Trung Quốc, và cũng sẽ làm mất ảnh hưởng của Mỹ và châu Âu ở khu vực.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Cũng có lẽ vì thế mà chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Mỹ và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ nhận được rất nhiều sự quan tâm từ dư luận, cộng đồng quốc tế.
Ngay tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ vào chiều 13/5 (sáng 14/5 giờ Hà Nội) vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính tái khẳng định lập trường của ASEAN về Biển Đông, hoan nghênh sáng kiến của Mỹ về tăng hợp tác biển với khu vực tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ. Đồng thời, tiếp tục khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông là giải quyết hòa bình mọi tranh chấp, khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.
Như William Pesek - cây bút bình luận của Bloomberg, từng nhận định trên tờ Jakarta Globe: “Không thể hóa giải vấn đề bằng đàm phán song phương bởi lẽ Trung Quốc sẽ không bao giờ sòng phẳng ở cấp độ này, nhất là khi có sức mạnh kinh tế và quân sự trong tay”.
Cũng ở Hội nghị, ASEAN và Mỹ cũng nhấn mạnh lợi ích khi duy trì Biển Đông là “vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng”, đồng thời tái khẳng định nhu cầu theo đuổi các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, phù hợp với những quy tắc được công nhận trong luật pháp quốc tế.
“Quy mô những cuộc thảo luận cho thấy vai trò quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và ASEAN đối với Mỹ. Một phần không nhỏ lịch sử thế giới trong 50 năm tới sẽ được viết tại những quốc gia ASEAN”, Tổng thống Biden nói.
Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Mỹ - Ảnh: VGP
Như để cam kết cho lời nói của Tổng thống Biden, trong Hội nghị, Mỹ đã công bố nhiều đề xuất, sáng kiến hợp tác, trong đó có 60 triệu USD tăng cường hợp tác biển, 150 triệu USD để triển khai sáng kiến Tương lai Y tế ASEAN - Mỹ.
Những đề xuất, sáng kiến của Mỹ nhận được sự đồng tình của dư luận quốc tế. Bởi đó không chỉ riêng lợi ích của Mỹ, mà chính sách “xoay trục” này còn giúp cân bằng địa chính trị tại khu vực, ổn định an ninh hàng hải. Trên hết, đó cũng là lòng tin, trách nhiệm của một cường quốc lớn như Mỹ.
Có thể thấy rằng, đến nay Biển Đông vẫn có thể làm cho quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng hơn nếu các vấn đề không được giải quyết một cách ổn thỏa. Tuy nhiên, về cơ bản, Mỹ không phải là bên muốn có căng thẳng và Trung Quốc thực ra cũng phải thận trọng vì các xung đột trên vùng biển này sẽ ảnh hưởng tới các lợi ích kinh tế, an ninh của họ.
Vì vậy, đây là sợi dây căn bản để Mỹ, ASEAN, Trung Quốc bám vào đó, duy trì sự ổn định để phát triển.