A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khúc tráng ca của sự hồi sinh làng Nủ

“Nếu làm phim có lời bình thì tôi sợ rằng không ngôn từ nào có thể miêu tả hết nỗi đau của người ở lại bằng chính lời kể của các nhân vật”, Đạo diễn Vũ Thanh Huyền chia sẻ.

50 phút phim được thực hiện theo phong cách không lời bình, chỉ dựa trên lời kể của các nhân vật, bộ phim tài liệu VTV Đặc biệt - Mứa bản do Trung tâm Phim tài liệu Đài Truyền hình Việt Nam (nay là Ban Chuyên đề - Khoa giáo) sản xuất mang tới cho khán giả một góc nhìn toàn cảnh về sự hồi sinh ngoạn mục của làng Nủ sau tái thiết.

Khúc tráng ca của sự hồi sinh làng Nủ

Một góc làng Nủ khi đang được tái thiết

Biểu tượng của ý chí quật cường vươn lên

Cơn bão Yagi lịch sử đổ bộ vào Việt Nam tháng 9/2024 đã được cảnh báo trước nhưng hậu quả sau bão nằm ngoài sức tưởng tượng của con người. Sự kiện đau thương nhất, hậu quả cơn bão Yagi gây ra chính là thảm họa diễn ra tại thôn làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

Tuy nhiên, vượt lên trên nỗi đau tận cùng đó là một sức mạnh đoàn kết chưa từng có, biểu tượng của ý chí quật cường vươn lên trong hoạn nạn của người Việt Nam khi cả nước một lòng hướng về làng Nủ.

Dự án tái thiết làng Nủ được thực hiện dựa trên lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và sự vào cuộc của Quỹ Tấm lòng Việt Đài Truyền hình Việt Nam, UBND tỉnh Lào Cai và Binh đoàn 12, Bộ Quốc phòng, đã hoàn thành việc thi công ngoạn mục bàn giao cho bà con trước Tết Nguyên đán 2025.

Khúc tráng ca của sự hồi sinh làng Nủ

Đạo diễn Vũ Thanh Huyền

Đạo diễn Vũ Thanh Huyền có trải nghiệm 4 tháng gần như sống tại làng Nủ để thực hiện bộ phim này đã có những chia sẻ với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô.

- PV: Đạo diễn có thể chia sẻ với độc giả tại sao bộ phim lại có tên là Mứa bản?

- Đạo diễn Vũ Thanh Huyền: Tiêu đề của bộ phim là Mứa bản, trong tiếng Tày có nghĩa là “Về làng”, tên phim đã tóm tắt nội dung phim là một hành trình cả nước cùng chung tay để hồi sinh làng Nủ sau thảm họa thiên tai Yagi tháng 9/2024.

Chỉ vỏn vẹn trong vòng 5 phút rạng sáng 9/10/2024, 1,6 triệu mét khối đất đá đột ngột đổ xuống phần diện tích lớn nhất của thôn làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai vùi lấp toàn bộ nhà cửa và khiến 67 người chết và mất tích.

Mứa bản không chỉ là bộ phim tài liệu ghi nhận quá trình hồi sinh tái thiết lại làng Nủ với quá trình ghi hình ròng rã 4 tháng của ê kíp sản xuất từ khi sự kiện bi thảm xảy ra đến khi một ngôi làng mới được mọc lên trên nền đất mới mà còn đem tới câu chuyện chân thực về nỗi đau của người đàn ông bất hạnh đã mất toàn bộ gia đình; 3 hộ gia đình bị xóa sổ hoàn toàn; những niềm đau khôn nguôi những gia đình chưa tìm thấy hết thi thể người thân.

Khúc tráng ca của sự hồi sinh làng Nủ

- PV: Đây là bộ phim dựa trên một sự kiện nổi bật nhất năm 2024 được truyền thông cả nước chú ý. Đó có phải là áp lực lớn đối với đoàn làm phim, thưa đạo diễn?

- Đạo diễn Vũ Thanh Huyền: Được lãnh đạo Trung tâm Phim tài liệu Đài Truyền hình Việt Nam (nay đổi tên thành Ban Chuyên đề - Khoa giáo) tin tưởng và giao trọng trách thực hiện dự án VTV Đặc biệt - Mứa bản, bản thân tôi thấy vừa tự hào xen lẫn áp lực không nhỏ.

Làm sao kể về quá trình hồi sinh ngôi làng dưới góc độ phát triển tâm lý nhân vật là nạn nhân của thảm họa; khắc họa quá trình vào cuộc chung tay của cả hệ thống chính trị dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về công cuộc tái thiết và sự chủ trì của Quỹ Tấm lòng Việt, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp cùng các bên thực hiện.

Ý tưởng đầu tiên tôi nghĩ đến sẽ thực hiện kết cấu phim phi tuyến tính theo hai tuyến song song. Một bên là những câu chuyện người dân làng Nủ phục hồi thế nào sau thảm họa và một bên là câu chuyện của những người hùng trên công trường tái thiết làng Nủ mới cho người dân.

Điều quan trọng hơn tôi đã nghĩ tới việc xây dựng một bộ phim không lời bình. Bởi theo quan điểm của tôi, mọi ngôn từ đều không thể nào miêu tả hết nỗi đau mà người dân làng Nủ đã phải hứng chịu trong thảm họa thiên nhiên bi thảm này bằng chính lời kể của nhân vật.

Khúc tráng ca của sự hồi sinh làng Nủ

Thời điểm chín muồi đầy cảm xúc

- PV: Chị có thể kể kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình làm phim này?

- Đạo diễn Vũ Thanh Huyền: Đây là bộ phim được thực hiện dài nhất và đồ sộ nhất trong trải nghiệm làm phim của tôi. Phim được khởi quay từ tháng 10 và kết thúc khi người dân đón cái Tết đầu tiên trên ngôi làng mới.

Hành trình đó kéo dài ròng rã suốt 4 tháng với những chuyến công tác liên tục từ Hà Nội lên Lào Cai và ngược lại.

Đặc biệt, có những chuyến công tác kéo dài nửa tháng, chúng tôi phải sống cùng người dân, bám sát diễn biến tâm lý nhân vật để khi thời điểm chín muồi chúng tôi có được những trường đoạn phỏng vấn đầy cảm xúc, hoặc những cảnh quay đắt giá ghi nhận diễn biến tâm lý nhân vật khi họ phải đối diện với cuộc sống hoàn toàn mới, với nỗi đau mất người thân chưa thể nguôi ngoai.

Kỷ niệm đầu tiên và ấn tượng nhất đối với ê-kíp đó là ngày đầu tiên hăm hở xuống hiện trường. Chúng tôi đến đúng lúc gia đình anh Hoàng Văn Thới đang thực hiện nghi thức cúng những người đã khuất.

Dù đã thông báo trước cho chính quyền địa phương nhưng trong lúc tang gia bối rối, gia đình nhân vật đã không thể phân biệt giữa ê-kíp của một đoàn làm phim chính thống với những tiktoker, facebooker tự do.

Khúc tráng ca của sự hồi sinh làng Nủ

Như các bạn đã biết thì thời điểm đó trên mạng lan tràn hình ảnh do các cá nhân tự quay, livestream trên các nền tảng trong đó có rất nhiều nội dung sai sự thật làm xáo trộn cuộc sống người dân thôn làng Nủ vốn đã rất rối bời vào thời điểm đó.

Lúc đó, dân làng phản ứng khá tiêu cực với đội ngũ livestream này, vô hình chung khiến chúng tôi gặp khó khăn trong quá trình tác nghiệp. Bằng sự kiên nhẫn, chúng tôi đã quyết định không triển khai máy, dành hẳn một ngày chỉ đến trấn an tâm lý gia đình.

Tôi còn nhớ đã trực ở nhà nhân vật từ sáng đến tối, quanh quẩn với họ cho họ quen với sự xuất hiện của ê-kíp và “xin” bằng được bữa cơm tối, qua đó làm quen để họ cởi mở với đoàn làm phim.

Kế hoạch đó đã thành công tốt đẹp khi chúng tôi tạo dựng được mối quan hệ tốt với nhân vật để có những cảnh quay đắt giá sau này mà khán giả có thể xem được trên phim.

Khúc tráng ca của sự hồi sinh làng Nủ

- PV: Bộ phim đã có một trường đoạn lấy nước mắt của khán giả. Đó là nỗi đau của những người đàn ông làng Nủ mất hết vợ con. Từ đâu chị đã nảy ra ý tưởng để xây dựng nên trường đoạn ấn tượng này?

- Đạo diễn Vũ Thanh Huyền: Đây là một bộ phim không được xây dựng kịch bản trước vì chúng tôi cũng không thể biết trước việc gì sắp xảy ra để quay.

Trong quá trình sống cùng, chúng tôi mới có những thông tin người dân đang chuẩn bị làm gì và lắng nghe được những câu chuyện từ họ. Qua thời gian tìm hiểu, tôi mới được biết, ngoài nhân vật Hoàng Văn Thới rất nổi trên mạng thời điểm đó vì thông tin anh mất hết gia đình, vợ con đã tạo được sự đồng cảm lớn với bà con cả nước.

Tuy nhiên, khi đến nơi tôi mới biết nhân vật Thới không phải người đàn ông duy nhất mất vợ con mà có tới 7 người đàn ông làng Nủ đã mất vợ con trong thảm họa. Thậm chí, anh trai ruột của Hoàng Văn Thới là anh Hoàng Văn Thạo cũng đã mất vợ và 2 con vì họ cùng đi tránh bão với vợ con anh Thới và em gái ruột.

Trong tuyến câu chuyện này, tôi lại ấn tượng nhất với hai nhân vật Hoàng Văn Voi và Nguyễn Văn Vững. Nếu như anh Voi đại diện cho tuyến nhân vật chịu nhiều đau thương mất mát thì với ý chí vươn lên vượt qua nghịch cảnh, anh Vững lại mang cho tôi nhiều cảm xúc bởi sự dằn vặt nuối tiếc những điều còn dang dở chưa kịp làm với người thân.

Thông qua tuyến nhân vật nước mắt đàn ông làng Nủ, chúng ta càng ngẫm hơn nữa triết lý cuộc đời vốn dĩ vô thường, ngày nay còn có nhau ngày mai đã sinh ly tử biệt không lời từ biệt, để lại niềm tiếc nuối khôn nguôi với người ở lại.

Khúc tráng ca của sự hồi sinh làng Nủ

“Mứa bản” - không ngôn từ nào có thể miêu tả hết

- PV: Phim rất ấn tượng với những đại cảnh công trường thi công tái thiết làng Nủ hoành tráng, phần nào lột tả tinh thần đồng tâm hiệp lực của rất nhiều tổ chức đơn vị, trong đó đứng đầu là Quỹ Tấm lòng Việt, Đài Truyền hình Việt Nam, UBND tỉnh Lào Cai và Binh đoàn 12 để việc thi công công trình đúng tiến độ. Ê-kíp đã dàn xếp cảnh quay thế nào để lột tả được tinh thần đó?

- Đạo diễn Vũ Thanh Huyền: Ngay từ khi được giao nhiệm vụ thực hiện một bộ phim về quá trình xây dựng tái thiết làng Nủ, chúng tôi đã nghĩ ngay đến việc phải đặt timelapse ghi lại toàn bộ quá trình xây dựng trên công trường. Timelapse là cách quay tối ưu nhất để người xem có thể cảm nhận được cả một tiến trình xây dựng từ khi công trường chỉ là khoảnh đất trống rộng 10,5ha đến khi 40 ngôi nhà đẹp đẽ hoàn thành.

Lãnh đạo Trung tâm Phim Tài liệu (nay Ban Chuyên đề - Khoa giáo) trực tiếp chỉ đạo nội dung bộ phim - NSND Nguyễn Hoàng Lâm cùng quay phim Nguyễn Đức Dân đã có chuyến đi khảo sát thực địa làng Nủ trước khi bộ phim chính thức được bấm máy.

Ba góc quay timelapse đã được NSND Nguyễn Hoàng Lâm chọn chính là 3 góc khán giả được nhìn thấy trên phim. Bộ phim không có một cảnh quay kỹ xảo nào vì điểm nhấn chính trong phim chính là những trường đoạn bi mà phải mất rất nhiều công sức đoàn làm phim mới thực hiện được. Bên cạnh đó là những cảnh timelapse, flycam hoành tráng để toát lên sự hào hùng, khí thế hừng hực trên công trường của những chiến sĩ Binh đoàn 12 nhằm kịp tiến độ giao nhà cho bà con trước Tết Âm lịch 2025.

Điều này vừa đảm bảo yếu tố chân thực của bộ phim mà vẫn mô tả được sự hoành tráng, đồ sộ của dự án tái thiết.

Khúc tráng ca của sự hồi sinh làng Nủ

- PV: Đã có rất nhiều cơ quan báo chí đưa tin cũng như nhiều bộ phim được thực hiện và phát sóng trước thời điểm Mứa bản lên sóng, điều gì khiến chị tự tin bộ phim vẫn thu hút được sự chú ý của khán giả khi mọi thông tin gần như lộ ra hết với công chúng?

- Đạo diễn Vũ Thanh Huyền: Cám ơn câu hỏi rất hay của bạn. Câu hỏi này tôi cũng thường xuyên nhận được từ đồng nghiệp khi họ gặp tôi ở làng Nủ. Họ có thể là phóng viên thời sự, là phóng viên lên thực hiện những phóng sự ngắn, thậm chí có cả người làm phim tài liệu và họ lên tin bài trước phim của tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn chỉ luôn có một câu trả lời rằng: “Hãy đón xem phim của tôi thì sẽ biết”.

Mỗi người có một phong cách làm phim; mỗi người có một quan điểm riêng về nghệ thuật. Quan điểm làm phim của tôi luôn mang tới cho khán giả sự logic và rõ ràng dù mình có chọn lối kể chuyện bằng phương thức nào. Ngoài những yếu tố mang tính thời sự như quá trình cập nhật tiến độ thi công luôn được báo chí khai thác hay cộng đồng mạng đưa tin từng phút từng giờ, hoặc những góc nhìn lẻ tẻ từ một vài nhân vật đang “hot” trên mạng… thì tôi thấy rằng chưa ai đưa ra được cái nhìn tổng quan toàn diện về cách người dân dần vượt qua nghịch cảnh để vươn lên như thế nào.

Khúc tráng ca của sự hồi sinh làng Nủ

Tôi đã có quá trình dài sống cùng những nhân vật mà họ chưa từng xuất hiện trên báo chí. Trong khi đó, câu chuyện của họ có sức mạnh nội tâm không khác nhân vật Hoàng Văn Thới đã rất nổi trước đó trên truyền thông. Đó chính là “con át chủ bài” trong phim của tôi.

Ngoài ra, trong phim Mứa bản, bên cạnh hai tuyến kể chuyện, một bên là miêu tả cuộc sống đời thường của người dân làng Nủ và một tuyến là mô tả khí thế thi công trên công trường tái thiết sẽ có những trường đoạn mang nội dung khác như kiến trúc, kỹ thuật thi công hay góc nhìn chuyên gia về địa chất làng Nủ được khéo léo cài cắm đan xen tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn và giữ mạch cảm xúc khán giả. Điều này khiến người xem khó lòng rời mắt trên màn hình.

Nhân đây tôi cũng xin cảm ơn ê-kíp sản xuất đã cùng tôi “nằm gai nếm mật” trên hiện trường như quay phim Nguyễn Đức Dân, kỹ thuật tiền kỳ Nguyễn Quang Việt, đồng nghiệp phóng viên Lê Trung Kiên - Đài Phát thanh và Truyền hình Lào Cai.

Khúc tráng ca của sự hồi sinh làng Nủ
Khúc tráng ca của sự hồi sinh làng Nủ

Đặc biệt, tôi xin cảm ơn NSND Nguyễn Hoàng Lâm, người đã đưa ra ý tưởng ban đầu và luôn sát sao trong việc chỉ đạo nội dung suốt quá trình ghi hình cùng toàn thể tập thể hậu phương tại Trung tâm Phim Tài liệu Đài Truyền hình Việt Nam (nay là Ban Chuyên đề - Khoa giáo) đã phối hợp thực hiện thành công bộ phim này.

Khởi công xây dựng ngày 21/9/2024, chỉ sau 11 ngày sau thảm họa, dự án Khu tái định cư thôn làng Nủ do Quỹ Tấm lòng Việt - Đài Truyền hình Việt Nam, phối hợp cùng UBND tỉnh Lào Cai, Binh đoàn 12 - Bộ Quốc phòng, thi công thần tốc trong vòng 3 tháng vừa đảm bảo yếu tố an toàn vừa mang tính thẩm mỹ cao cho 40 căn nhà sàn, 2 trường học mầm non và tiểu học, 1 căn nhà sinh hoạt cộng đồng cùng các trục đường giao thông, tuyến cây xanh, hệ thống điện, mạng internet… đã được hoàn thiện và đón người dân về ở trước Tết Nguyên đán 2025.

Khúc tráng ca của sự hồi sinh làng Nủ

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết