Hungary lo ngại lệnh trừng phạt Nga khiến ‘kinh tế châu Âu vỡ tan từng mảnh’
Cho tới nay, Hungary được xem là nước ủng hộ Nga nhất trong số 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Các nhà lãnh đạo của nước này cũng liên tục đưa ra cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt lên Nga có nguy cơ tàn phá nền kinh tế châu Âu.
Phát biểu tại thị trấn Bugac của Hungary hồi cuối tuần qua, Chủ tịch Quốc hội Hungary Laszlo Kover cho rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế lớn đối với Nga của EU là “sai lầm” bởi khối vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng của nước này.
“Các lệnh trừng phạt, đã được áp đặt trong 7 vòng liên tiếp kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, là sai về cốt lõi và có thể khiến kinh tế châu Âu vỡ tan từng mảnh”, ông Kover nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội Hungary, lịch sử và địa lý của Hungary đã khiến nước này trở thành "cầu nối giữa Đông và Tây", thành công của Hungary phụ thuộc vào sự hợp tác với cả hai bên.
"Khi phương Đông và phương Tây đối đầu nhau, điều đó chỉ mang tới sự suy yếu. Nếu họ cùng hợp tác, điều đó sẽ đem tới cho Hungary cơ hội tiến lên", ông Kover khẳng định.
Trước đó, khi phát biểu ở thành phố Baile Tusnad của Romania, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng cho rằng các lệnh trừng phạt chống Nga đã không thể làm nước này chao đảo, trong khi đó châu Âu đang rơi vào khủng hoảng kinh tế và chính trị nặng nề.
Theo ông Orban, các nước châu Âu đã bỏ lỡ cơ hội làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột ở Ukraina vì họ không đảm bảo thực thi các thỏa thuận Minsk.
Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, phương Tây đã tăng cường áp lực trừng phạt chống Nga, bao gồm đóng băng hàng trăm tỷ USD tài sản của Nga, đồng thời áp dụng bảy gói biện pháp hạn chế với Nga, kể cả cấm vận với than đá và dầu mỏ.
Ở động thái liên quan, Bộ Ngoại giao Hungary ngày 13/8 cho biết những cuộc đàm phán thương mại với Moscow “đã dẫn đến một thỏa thuận” để tập đoàn Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom bắt đầu giao hàng “cao hơn số lượng đã được ký hợp đồng”.
Quốc vụ khanh về quan hệ đối ngoại của Hungary, ông Tamas Menczer, sau đó cũng xác nhận tập đoàn Gazprom đã bắt đầu cung cấp khí đốt bổ sung cho Hungary thông qua tuyến đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ với khối lượng cao hơn hợp đồng đã ký kết.
Theo ông Menczer, khối lượng bổ sung hàng ngày sẽ lên tới 2,6 triệu m3 cho đến cuối tháng 8 và các bên đang đàm phán về lịch trình cho tháng 9.
Xem thêm >> Nhật Bản quyết giữ cổ phần trong cả 2 dự án dầu khí Sakhalin tại Nga