Hungary: EU có thể tự đẩy mình vào chân tường vì ‘cuồng loạn trừng phạt’ Nga
"Sự cuồng loạn trừng phạt" ở Liên minh châu Âu (EU) đang làm suy yếu khả năng cạnh tranh của khối này trong mối quan hệ với Mỹ, theo Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto.
Phát biểu tại Diễn đàn Hòa bình quốc tế Budapest ngày 6/6, Ngoại trưởng Hungary Szijjarto cho rằng "EU có thể tự đẩy mình vào chân tường với sự cuồng loạn trừng phạt", vốn đã làm suy yếu nghiêm trọng nền kinh tế và gây ra mối đe dọa đối với an ninh năng lượng.
Ông Szijjarto cho rằng các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga không những không đạt được mục tiêu đề ra là chấm dứt xung đột ở Ukraine mà chỉ gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong nền kinh tế châu Âu và toàn cầu.
“Bây giờ cuộc tranh luận vẫn tiếp tục về gói trừng phạt thứ 11, nhưng tôi nghĩ mọi người đều thấy rõ ràng các lệnh trừng phạt đã thất bại”, Ngoại trưởng Hungary phát biểu tại diễn đàn.
"Ngoài thực tế là có một cuộc chiến đang diễn ra ở châu Âu và mọi người đang chết dần chết mòn, hậu quả kinh tế của cuộc chiến này rõ rệt nhất ở đây, ở Liên minh châu Âu chứ không phải ở nước ngoài. Một năm ba tháng sau khi xung đột diễn ra tại Ukraine, nguy cơ leo thang tăng lên và khả năng cạnh tranh kinh tế của EU đã giảm so với Mỹ", ông Szijjarto nhấn mạnh.
Về vấn đề này, vị Ngoại trưởng xác nhận chính phủ Hungary đề xuất tìm cách giải quyết xung đột Ukraine theo một cách khác, chính là kêu gọi các bên tham chiến ngừng bắn ngay lập tức và bắt đầu đàm phán hòa bình.
Ở động thái liên quan, một quan chức giấu tên của Phái đoàn Nga tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngày 6/6 cho biết Moscow phản đối việc Brussels thực thi chính sách thương mại không theo luật lệ quốc tế và bị chi phối bởi yếu tố chính trị.
Vị quan chức Nga nói thêm rằng Moscow hết sức quan ngại về việc EU xem nhẹ những hậu quả từ động thái trên đối với các thành viên WTO khác cũng như đối với chính liên minh này.
Theo phái đoàn thương mại Nga tại WTO, EU đang “tự bắn vào chân mình” khi áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow. Các lệnh cấm vận chống Nga của EU đã làm gián đoạn hoạt động thương mại thế giới, điều này cũng khiến giá hàng hóa tại châu Âu tăng mạnh, lạm phát tăng cao và gia tăng bất ổn chính trị trong khu vực.
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, phương Tây đã tăng cường áp lực trừng phạt đối với Moscow. Các nước thuộc EU xem xét phương án từ bỏ dầu mỏ và khí đốt của Nga. Nhiều quốc gia tuyên bố đóng băng tài sản của Nga và kêu gọi từ bỏ năng lượng Nga. Tất cả những điều này đã trở thành vấn đề đối với Mỹ và châu Âu, khiến giá nhiên liệu và lương thực tăng mạnh.
Mới đây, Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo GDP của Nga theo giá trị thực sẽ giảm 0,2% vào năm 2023 và kỳ vọng tăng trưởng 1,2% vào năm 2024.
Theo các dữ liệu được nêu trong tài liệu, ước tính mức giảm GDP cho năm hiện tại tăng 3,1 điểm phần trăm so với dự báo tháng 1 và giảm 0,4 điểm phần trăm cho năm 2024.
Bộ Phát triển Kinh tế Nga thì dự đoán tăng trưởng GDP của Nga năm 2023 là 1,2%. Ngân hàng Trung ương Nga cũng kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm 2023 là trong khoảng 0,5-2%.