Hết sạch vé máy bay từ TPHCM đi Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa
Đến thời điểm giai đoạn sát Tết, giá vé máy bay ở mức rất cao, thậm chí hết sạch vé đi Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng.
Hiện nay, giá vé phổ thông từ TPHCM đi các tỉnh phía Bắc đều rất cao. Thống kê từ một số đại lý cho biết một số chặng bay tăng giá vé 5-10% so với một tháng trước, thậm chí xảy ra tình trạng hết ghế.
Theo khảo sát ngày 5/2, từ ngày 6-9/2 (27-30 tháng Chạp), giá vé một chiều chặng bay TPHCM - Hà Nội đều hơn 3 triệu đồng , chủ yếu là chuyến bay đêm. Đặc biệt, các hãng khai thác đường bay thẳng đều hết vé vào ngày 6/2. Hành khách phải chấp nhận bay đường vòng với số tiền từ 3,8-14 triệu đồng.
Trong khi đó, việc đặt vé đi các tỉnh khác còn căng thẳng hơn rất nhiều. Chặng bay TPHCM - Thanh Hóa hết sạch vé của tất cả hãng bay từ ngày 6-8/2. Hành khách chỉ có thể đặt mua vé về sân bay Thọ Xuân ( Thanh Hoá ) vào ngày 9/2 với mức giá một chiều lên đến hơn 3,2 triệu đồng.
Tình hình tương tự cũng diễn ra với chặng bay TPHCM-Vinh khi hết vé cả ngày 6/2. Đến ngày 7/2, chỉ còn duy nhất chuyến bay đêm do Vietjet Air thực hiện còn chỗ với số tiền gần 3,5 triệu đồng. Thậm chí vào ngày 8/2, không còn hãng hãng hàng không nào khai thác đường bay thẳng đến Vinh. Tất cả các chuyến bay đều phải vòng qua sân bay Nội Bài.
Các chặng bay TPHCM - Hải Phòng, TPHCM - Quảng Ninh cũng không khả quan. Tình trạng này khiến nhiều hành khách lo sốt vó .
Chị Minh Anh - sinh sống tại quận 7, TPHCM - cho biết: "Như các đợt nghỉ lễ thời gian gần đây, dù giá vé máy bay tăng nhưng nếu đặt sát ngày, mình có thể mua vé rẻ. Nhưng đến tết năm nay, càng sát ngày càng đắt, chỉ cần chậm chân vài phút là hết vé. Vé bay đi Thanh Hoá cứ hơn 3 triệu thế này, mình phải chuyển hướng về quê bằng đường tàu hoả".
"Mình cũng nghĩ là mua vé sát ngày sẽ dễ dàng hơn nhưng tình hình không hề khả quan chút nào khi giá vé đến nay đã tăng khoảng 15%. Đành chấp nhận vậy thôi, gia đình mình có 3 người, chỉ riêng việc mua vé khứ hồi đã ngốn ngân sách lên đến 25 triệu đồng cho đợt tết năm nay", anh Mạnh - trú tại khu Phú Mỹ Hưng, TPHCM - chia sẻ.
Theo lý giải của của Cục hàng không và các hãng bay, giá vé đắt dịp Tết bắt nguồn từ việc các hãng đang phải bù đắp chi phí hai chiều theo quy luật điều tiết của thị trường.
Dữ liệu cho thấy các chuyến bay ngày thường hay chuyến bay hè đều kín khách 2 chiều trong khi các chuyến bay vào đợt Tết hầu hết lệch đầu, một chiều kín khách, một chiều rỗng hoặc tỷ lệ khách đi rất thấp, chỉ đạt 20 - 25% số ghế.
Từ ngày 1-4/2, các hãng hàng không đã phải tăng cường hơn 300 chuyến bay rỗng không có khách (Ferry) từ các sân bay địa phương về Tân Sơn Nhất để chờ, bảo dưỡng, bảo trì tàu bay và tăng tải cho chiều từ TP.HCM đi miền Trung và miền Bắc.
Đáng chú ý, với thời tiết sương mù dày đặc đến sát tết, người đã mua được vé cũng đang phải chật vật với những chuyến bay về quê. Theo thống kê của Trung tâm Điều hành sân bay Tân Sơn Nhất, từ 0h ngày 1 đến 16h ngày 3/2 (22-24 tháng Chạp ), tỷ lệ chuyến bay bị chậm giờ chiếm gần 60%.
Hai hãng có số chuyến bị ảnh hưởng nhiều nhất là Vietjet Air với 257 chuyến, chiếm hơn 74% tổng số chuyến khai thác của hãng. Vietnam Airlines cũng có 209 chuyến, chiếm hơn 59%.
Bên cạnh tình trạng trễ giờ khởi hành, còn có 40 chuyến bay tại Tân Sơn Nhất buộc phải hủy vì ảnh hưởng thời tiết xấu, chiếm tỷ lệ 3,63% trên tổng số chuyến khai thác.